TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 119 CN  06.01.2008

 

Web site www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

 

CHÀO NĂM MỚI 2008

 

 

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh.

TÌM CHÚA..

Nhìn lại năm 2007.

NHỮNG YẾU TỐ QUAN TRỌNG GIÚP PHÁT TRIỂN ĐẠO ĐỨC..

Sinh hoạt của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI trong một năm qua.

Hơn 2,8 triệu khách hành hương tham dự các cuộc tiếp kiến và buổi lễ của ĐGH Biển Đức XVI trong năm 2007.

Ngày đầu năm ĐTC chủ sự Thánh Lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

Kinh Chiều và kinh Tạ Ơn kết thúc năm 2007.

Kinh Truyền Tin Lễ Thánh Gia.

Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình mừng đầy năm..

Giáo phận Bắc Ninh vui mừng có thêm 8 tân linh mục.

GIÁO PHẬN PHAN THIẾT MỪNG LỄ BỔN MẠNG KHÁNH THÀNH NHÀ TĨNH TÂM VÀ HƯU DƯỠNG..

Năm mới 2008 Ðem Lại Hồng Ân Cho Giáo Phận Huế.

Lời chủ chăn tháng 1.2008:

LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI ?.

CHIẾC BAO TAY..

Tâm tình chia sẻ với tân linh mục.

LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI ?.

TÀI LIỆU THƯỜNG HUẤN LINH MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT 2007.

SỰ LIÊN HỆ..

CỦA NGƯỜI CHURU VỚI NGƯỜI CHĂM...

CHÚC TẾT CẢ NƯỚC..

1- Xin gửi vài đóa hoa.

Rạn nứt

Trẻ sẽ làm như “ta làm”.

BÊN BỜ KINH TẺ..

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh

 

Mt 2, 1-12

"Chúng tôi từ phương Đông đến thờ lạy Đức Vua".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: "Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta".

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người". Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình. Đó là lời Chúa.

 

TÌM CHÚA - ÁNH SAO

Trước đây chúng ta gọi ngày lễ hôm nay là lễ Ba Vua, đây là tên gọi quen thuộc đối với giáo dân Việt Nam để nói về việc các nhà chiêm tinh phương Đông tìm đến hang đá Bê-lem kính viếng, thờ lạy Chúa Hài Đồng. Gọi là vua vì thấy họ mặc phẩm phục như các vị đế vương, và xác định là có ba vị, vì có ba sắc dân được nói đến trong sách ngôn sứ I-sai-a, mà cũng vì lễ vật tiến dâng có ba thứ là vàng, mộc dược, và nhũ hương.

Nhưng điều quan trọng không phải là xác định họ là vua hay không phải là vua, họ có ba người hay có thể có nhiều hơn nữa, mà chính là hãy nhìn họ như hình ảnh sống động của tất cả những ai trong đời đã có một lòng khao khát chân thành tìm kiếm Thiên Chúa, khởi đi từ những thiện hảo tốt lành. Vì thế, ngày nay phụng vụ sử dụng tên gọi “Hiển Linh” để làm nổi bật ý định mầu nhiệm chung nhất của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Giáng Sinh, đó là Ngài muốn tỏ mình ra cho tất cả mọi người, mọi thời đại, bất luận họ là ai và ở đâu, miễn là họ biết chân thành kiếm tìm Ngài. Vì thế, đây không chỉ là một biến cố của ngày đã qua, mà còn là một sứ điệp của ngày hôm nay và cho những ngày sẽ tới, đó là Thiên Chúa vẫn tỏ mình ra, nhưng vấn đề là người ta có thiện chí đến gặp Ngài không.

Trở lại bài Tin Mừng, chúng ta thấy với một dấu hiệu không rõ rệt, không chắc chắn, không đầy đủ là ngôi sao lạ, thế mà các nhà chiêm tinh đã nhất định ra đi tìm “vua mới”, đúng là “trên vạn nẻo đường”, biết bắt đầu đi về đâu ? Thực là “đáy biển mò kim”, và thực là một cuộc phiêu lưu nguy hiểm.

Nhưng bất chấp tất cả mọi nguy hiểm, mọi khó khăn, các ông kiên quyết dõi theo ánh sao thực hiện lòng tin của mình, cuối cùng các ông cũng tìm đến nơi, các ông không gặp thấy một trẻ sơ sinh nằm trong nhung lụa mà chỉ thấy một hài nhi nằm trong máng cỏ. Các ông đi tìm vua Do Thái mà lại chỉ gặp một hài nhi nghèo khó. Nhưng không vì thế mà các ông thất vọng, ngược lại, các ông vẫn tin, và lòng tin đó được biểu lộ một cách cụ thể bằng việc phủ phục xuống một cách khiêm tốn để thờ lạy và dâng lễ vật.

Câu chuyện các nhà chiêm tinh đi tìm kiếm Chúa vẫn luôn luôn hợp thời và có giá trị cho mọi người, bởi vì cuộc đời chúng ta ở trần gian luôn phải đi tìm kiếm Chúa và sống vai trò “ngôi sao dẫn lối” cho người khác. Đó là hai điều chúng ta cần ghi nhớ hôm nay. Qua đoạn Tin Mừng, có thể nói có ba hạng người đối với việc tìm Chúa : hạng thứ nhất, là các nhà chiêm tinh, là những người tuy chưa biết Chúa, nhưng khi vừa nhận được một tia sáng đã vội vã đi tìm. Hạng thứ hai là các tư tế, những người Pha-ri-sêu và kinh sư, họ là những người thông thạo Kinh Thánh, biết rất nhiều về Chúa, đến nỗi có thể chỉ đường chính xác cho kẻ khác tìm gặp Chúa ở Bê-lem, nhưng chính họ lại không đi tìm. Hạng thứ ba là vua Hê-rô-đê và những người thuộc hạ, khi được các nhà chiêm tinh cho biết Chúa sinh ra, họ không những không vui mừng mà còn bày mưu tính kế để sát hại Ngài, do lòng gian ác thúc đẩy. Ngày nay, trong xã hội, chúng ta thấy vẫn luôn có ba hạng người trên : có những người chân thành tìm kiếm để thờ phượng Chúa, những người khác lại dửng dưng với đức tin tôn giáo, và thậm chí có những người còn thù ghét và tìm cách tiêu diệt Chúa.

Riêng đối với chúng ta, dù chúng ta đã gặp Chúa, dù chúng ta đã được rửa tội, dù chúng ta đã gia nhập Giáo Hội, chúng ta vẫn còn phải đi tìm Chúa, chúng ta có thể tìm thấy Chúa ở đâu ? Trong một tập truyện ngụ ngôn xuất bản gần đây, một linh mục đã tưởng tượng ra một câu chuyện như sau :

Có một người đàn bà đạo đức kia ước ao được xem thấy Chúa trước khi chết, ngày ngày bà ăn chay cầu nguyện để điều ước mong này được Chúa nhận lời. Thế là một đêm nọ trong một giấc mơ, bà được Chúa cho biết Chúa sẽ đến thăm bà. Suốt ngày hôm sau, bà quét dọn và trang hoàng nhà cửa để đón rước Chúa, nhưng bà chờ mãi mà không thấy Chúa đến.

Trong đêm kế tiếp, có tiếng Chúa nói : tại sao bà không tiếp đón Ngài ? Người đàn bà thưa bà đã chờ đợi Chúa suốt đêm ngay ở cửa trước. Chúa cho bà biết Chúa đã chờ đợi ở cửa sau. Ngày hôm sau, người đàn bà lại chờ đợi Chúa ở cửa sau, nhưng bà vẫn không thấy bóng dáng Chúa. Đêm đến lại có tiếng Chúa nói tại sao bà không đón tiếp Chúa ? bởi vì Ngài đến qua ngã cửa sổ. Suốt ngày hôm sau, người đàn bà hết ra cửa trước, lại về cửa sau và nhìn qua các cửa sổ, nhưng bà cũng chẳng thấy Chúa. Đêm đến, bà cũng lại nghe có tiếng Chúa nói, và lần này Chúa bảo bà hãy tìm kiếm Ngài ở bờ giếng sau nhà. Cũng thế, người đàn bà ngồi đợi Chúa ở bờ giếng suốt ngày, nhưng cũng không thấy Chúa đâu. không còn đủ kiên nhẫn nữa, bà trách Chúa tại sao lại chơi cút bắt với bà. Bấy giờ Chúa mới nói : “Nếu con định tìm kiếm và tiếp đón Ta ở một nơi nào đó, thì mãi mãi sẽ không bao giờ thấy Ta ở đâu cả. Thay vì tìm kiếm khắp nơi, con hãy mở mắt tâm hồn và con sẽ thấy Ta”.

Đêm đó, người đàn bà không còn nghe thấy tiếng Chúa nói gì nữa, chung quanh bà chỉ thấy bóng đêm dầy đặc, nhưng chính lúc đó, khi con mắt tâm hồn bà đã được mở rộng, bà đã nhận thấy Chúa ở khắp mọi nơi.

Đúng vậy, chúng ta chỉ có thể thấy Chúa bằng con mắt tâm hồn mà thôi. Nếu tâm hồn chúng ta rộng mở, nếu tâm hồn chúng ta trong sạch, nghĩa là không bị ngăn cản bởi bất cứ bức tường nào của dục vọng, của đam mê, ích kỷ, của tiền bạc, của lạc thú, thì chúng ta có thể thấy Chúa ngay cả trong mỗi người.

Xưa kia, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho ba người chiêm tinh bằng ánh sao lạ, chính nhờ ánh sao này, các ông đã đi tìm và đã gặp thấy Chúa Giêsu giáng sinh để thờ lạy. Từ đó Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình ra cho nhân loại để con người nhận biết sự thật và đón nhận sự sống. Cũng như ngày xưa, Thiên Chúa đã mời gọi các ngôn sứ cộng tác, cũng như Đức Kitô đã mời gọi các môn đệ cộng tác, ngày nay, Ngài cũng mời gọi chúng ta cộng tác vào công cuộc cao cả này, bởi vì vẫn cần có những ánh sao để chỉ đường dẫn lối cho những người khác gặp thấy Chúa. Mỗi người Kitô được mời gọi trở thành ánh sao cho những người chung quanh ngay trong cuộc sống bình thường hằng ngày, đó là ánh sao của cho đi, của quên mình, của bác ái, của phục vụ, hoặc một nụ cười, một ánh mắt, một lời hỏi thăm, một lời khích lệ, một sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ… đó là những ánh sao đưa anh em về với Chúa, những ánh sao đó có sức tỏa sáng, giúp anh em nhận ra Chúa và nhận ra tình yêu thương của Ngài.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

Mục lục

 

 

TU ĐỨC

 

Nhìn lại năm 2007

NHỮNG YẾU TỐ QUAN TRỌNG GIÚP PHÁT TRIỂN ĐẠO ĐỨC

 

Năm 2007 là năm phát triển. Trong đạo ngoài đời, phát triển là mơ ước, là cố gắng, là tự hào.

 

Riêng về tôn giáo, phát triển có thể được đánh giá về nhiều mặt, như nhân sự, cơ sở vật chất, đất đai, xây cất, tiền bạc, tổ chức, lễ lạy, quan hệ, hiện diện, ảnh hưởng, nhất là trung thành với tinh thần Đấng sáng lập.

 

Ở đây, tôi nói tới phát triển trong ranh giới nội bộ Công giáo Việt Nam.

 

Trong nội bộ đó, tôi chỉ để ý đến mặt đạo đức. Đề tài sẽ là thế này.

 

Năm qua, những yếu tố nào được coi là có ảnh hưởng mạnh nhất trong việc phát triển đạo đức nơi người Công giáo Việt Nam.

 

Thưa là những yếu tố sau đây :

 

  1. Lời Chúa được mô mến.

 

Lời Chúa giữ vai trò rất quan trọng trong việc cứu rỗi. Ở đây, chỉ xin nhắc lại lời thánh Phaolô khuyên môn đệ Timôthê “Từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Giêsu. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh ứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2 Tm 3, 15-17).

 

Lời Chúa là ánh sáng, là sự sống, là khí giới. Đàng sau Lời Chúa có chính Chúa hiện diện. Vì thế, những người nào, nơi nào mộ mến Lời Chúa đều đã gặp Chúa.

 

Mô mến Lời Chúa là kính trong Lời Chúa, nghe Lời Chúa, đọc Lời  Chúa, suy niệm Lời Chúa, sống Lời Chúa.

 

Nơi nào lòng mộ mến Lời Chúa phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu, nơi đó thấy rõ đạo đức đã đổi mới con người một cách lạ lùng.

 

  1. Phép Thánh Thể được tôn sùng.

 

Chúa phán : Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong các con. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho. Các con cũng vậy, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, các con chẳng làm gì được” ( Ga 15, 4-5).

 

Phép Thánh Thể là một cách Chúa Giêsu ở lại giữa nhân loại. Ở lại thực sự. Ai ở lại với Người, sẽ được Người đổi mới bản thân, để rồi ra đi, sinh nhiều hoa trái.

 

Điều cần thiết là phải ở lại thực sự với Chúa. Trong thánh lễ và trong những giờ chầu.

 

Năm 2007, nhiều cộng đoàn đã có sáng kiến, để những ai muốn chầu Mình Thánh tự do được toại nguyện. Năm 2007 nhiều cộng đoàn đã có những đổi mới về thánh lễ. Đã có sự bớt đi những phát biểu, những rườm rà không cần thiết, để tập trung vào Đức Kitô.

 

Kinh nghiệm cho thấy. Nơi nào có đông người ở lại với phép Thánh Thể và tập trung vào Đức Kitô, để sống mật thiết với Người, nơi đó đạo đức đã gây được những biến chuyển sâu sắc trong nếp sống từ trong ra ngoài.

 

  1. Người nghèo hèn được quan tâm.

 

Chúa phán về ngày phán xét : “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên hữu rằng : Nào những kẻ Cha Ta phúc chúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các con từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các con đã cho ăn. Ta khát, các con đã cho uống… Bấy giờ  những người công chính sẽ thưa rằng : Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống đâu…Để đáp lại, Đức Vua sẽ bảo họ rằng : ta bảo thật các con, mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là các con đã làm cho chính Ta” ( Mt 25, 24-40).

 

Qua những tuyên bố dứt khoát trên đây, mọi người phải tin rằng : Quan tâm lo cho những thành phần bé mọn trong xã hội là một bổn phận đạo đức không thể coi thường.

 

Hiện nay, lớp người bé mọn trong xã hội Việt Nam còn rất đông. Khoảng cách giữa giàu và nghèo còn rất lớn. Chúa đợi chúng ta ở nơi người nghèo hèn. Họ là địa chỉ Chúa sai ta đến. Ta đến với họ là đến với Chúa.

 

Nhận thức như thế, nhiều giáo đoàn tại Việt Nam đã coi công việc bác ái xã hội là một hoạt động để làm chứng đức tin. Dịp Noel vừa qua, xã hội Việt Nam khắp nơi đã ghi nhận và ca ngợi việc đó. Bác ái xã hội đối với người nghèo của nhiều giáo xứ giáo phận đã được đánh giá rất cao.

 

Thực vậy, năm 2008 nơi nào việc loan báo Tin Mừng và làm chứng cho đức tin được kết quả tốt, nơi đó chắc chắn một phần là do hướng mở ra về phía người nghèo khổ được phát triển một cách tích cực và tế nhị.

 

  1. Hội Thánh được kính trọng yêu mến

 

Chúa Giêsu phán : “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).

 

Yêu thương nhau, kính trọng nhau, đó là một dấu chỉ, mà chính Chúa đã chọn như một đặc điểm, để làm chứng mình thuộc về Chúa.

 

Đặc biệt yêu thương kính trọng đối với Hội Thánh là một dấu chỉ thuyết phục.

 

Hội Thánh là một thứ bí tích. Hội Thánh được Chúa thiết lập, được Chúa sai đi, được Chúa thánh hoá, được Chúa yêu thương. Mỗi người tín hữu đều được sinh vào trong Hội Thánh nhờ phép Rửa, được lớn lên nhờ phép Thêm sức, được kết hợp với nhau thành vợ chồng nhờ phép Hôn phối. Tất cả đều nhờ Hội thánh và trong Hội Thánh. Hội Thánh là một hồng ân Thiên Chúa ban tặng cho ta. Biết kính trọng, biết ơn Hội Thánh và các vị Chúa đặt đứng đầu các cấp Hội Thánh là đòi hỏi của lòng hiếu thảo.

 

Chiều ngày lễ Giáng sinh vừa qua, tôi tham dự qua truyền hình trực tiếp buổi Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đọc diễn văn về hoà bình và ban phép lành bình an cho thế giới. Tôi hiệp thông với Ngài nguyện cầu cho mỗi người chúng ta được ơn luôn làm sứ giả hoà bình và dụng cụ bình an của Chúa trên Quê hương Việt Nam này.

 

Trên thực tế, nhiều nơi, sự yêu thương nhau là rất chan hoà, sự hiệp thông Toà thánh là rất sâu xa. Nhờ thế, mà đạo đức phát triển mạnh. Hội Thánh được xã hội không công giáo kính nể, trọng thị.

 

Tôi vừa nhắc tới 4 yếu tố quan trọng giúp phát triển đạo đức.

 

Khi 4 yếu tố trên đây bắt đầu được phát triển tốt, người ta sẽ thấy xuất hiện nhiều cản trở. Cản trở do thế gian, do ma quỷ, do bất đồng nội bộ, do chính bản thân mình. Sẽ có những phấn đấu cam go, những bước đi đau đớn, những hoàn cảnh cô đơn. Đúng là, thử thách trong bão gió, trưởng thành trong suy niệm gặp Chúa.

 

Ngay lúc này, đầu năm 2008, ta sốt sắng dâng lên Chúa quyết tâm của ta sẽ làm hết sức để cộng tác với Chúa trong việc phát triển đạo đức. Đó là quyết tâm, và đó cũng là sứ mệnh.

 

ĐGM GB Bùi Tuần

Mục lục

 

 

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

Sinh hoạt của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI trong một năm qua.


Nhìn lại trong một năm qua 2007, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã không hề tỏ ra dấu hiệu cho thấy những công việc quá sức chịu đựng, thế nhưng một năm Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã thực hiện một chặng đường dài những hoạt động và những thành quả mà khó tưởng tượng ra được.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã công bố 4 văn kiện chính, một cuốn sách, hơn 200 bài diễn từ và bài giảng, 2 chuyến tông du hải ngoại và những chuyến tông du tại Italy, tấn phong 23 tân hồng y, rất nhiều cuộc gặp gỡ với các vị quốc trưởng, mà 2 cuộc gặp gỡ đáng kể là Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush.

Vào đầu năm 2007, ngày 25/1, lần đầu tiên trong lịch sử, thủ tướng Việt Nam trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa đã đến triều yết và được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tiếp đón, cho thấy tín hiệu cải tiến liên hệ giữa Tòa Thánh Vatican và chính quyền cộng sản Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phái đoàn 9 người trong đó có chủ tịch ủy ban Tôn Giáo Vụ đã đến triều yết Đức Thánh Cha vào ngày thứ Năm 25/1/2007.

Tòa Thánh Vatican cho biết cuộc gặp gỡ đã đánh dấu “một bước tiến mới và quan trọng đến những liên hệ bình thường hóa và song phương” đã được cải thiện trong những năm vừa qua cùng với “những chặng đường cho tự do tôn giáo được mở rộng hơn đối với Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam”.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã gặp gỡ riếng với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc tôn giáo sự vụ Ngô Yến Thi trong vòng 25 phút, trước khi gặp gỡ toàn thể phái đoàn Việt Nam.


Phái đoàn Việt Nam đã gặp gỡ 30 phút với Đức Hồng Y Tarcision Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, Ngoại Trưởng Tòa Thánh Vatican.

Trong các cuộc gặp gỡ, Tòa Thánh Vatican và phái đoàn Việt Nam đã trao đổi và bàn thảo đến những vấn đề còn tồn tại trong sự liên hệ giữa Giáo Hội Việt Nam và nhà Nước, theo đó các vấn đề cần được “đối diện và giải quyết qua những đường dây đối thoại và phải được dẫn tới một sự hợp tác có lợi ích giữa giáo hội và nhà nước”.

Cho đến nay Tòa Thánh Vatican và Việt Nam vẫn chưa có những liên hệ ngoại giao chính thức tức là chưa có tòa đại sứ Việt Nam làm việc bên cạnh Tòa Thánh cũng như Tòa Khâm Sứ tại Việt Nam, thế nhưng hàng năm phái đoàn ngoại giao Tòa Thánh cùng với sự tháp tùng của Đức Ông Nguyễn Văn Phương đã đến Việt Nam bàn đến các vấn đề tôn giáo, việc bổ nhiệm các tân giám mục, sự thâu nhận các tân đại chủng sinh và hoạt động của các cơ cấu của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.Vào tháng 6/2007, Tổng Thống George W. Bush đã tiếp kiếp Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI lần đầu tiên và đặt trong tâm buổi gặp gỡ bàn đến tình hình mong manh của người tín hữu Kitô tại Iraq và những tranh chấp tại Trung Đông. Dịp này Tòa Thánh dành cơ hội để bày tỏ niềm hy vọng đến những thương thảo đạt được cho “những tranh chấp và những khủng hoảng đang xâu xé trong vùng”. Dựa trên những vấn đề khác Đức Giáo Hoàng và Tổng Thống Bush đã xét đến những vấn đề luân lý và tôn giáo, bao gồm đến “sự bảo vệ và cổ võ đời sống, hôn nhân và gia đình”.

Vào tháng 4/2007, trước khi mừng sinh nhật lần thứ 80, Đức Giáo Hoàng đã cho phát hành cuốn sánh “Chúa Giêsu thành Nazareth”, theo đó Đức Kitô phải được hiểu là Con của Thiên Chúa trong sứ vụ thần linh của Người, không phải chỉ hiểu như là một thầy giảng luân lý hay một nhà cải cách xã hội. Chỉ nội trong 6 tháng, cuốn sách đã bán được hơn 2 triệu cuốn.

Vào tháng 6/2007, Đức Giáo Hoàng đã gởi một lá thơ 55 trang tới toàn tín hữu Công Giáo tại Hoa Lục, vạch ra những chỉ đạo mới, đòi hỏi sự hợp tác các tín hữu Công Giáo thuộc Giáo Hội hầm trú và tín hữu Công Giáo chính thức đăng ký với chính quyền.

Lá thư của Đức Giáo Hoàng mạnh mẽ phê bình đến những giới hạn mà chính quyền Trung Hoa áp đặt trên những hoạt động của Giáo Hội, thế nhưng lá thư Giáo Hoàng cũng mời gọi chính quyền dân sự hãy cởi mở và nghiêm trọng đến cuộc đối thoại. Từ khi lá thư được phát hành mà tín hữu Công Giáo Hoa Lục chờ đợi từ bấy lâu, đã có những tín hiệu hy vọng phát sinh qua việc đồng ý nhiều đến những việc bổ nhiệm các Giám Mục. Tuy nhiên không phải tất cả các Giám Mục được bổ nhiệm là có sự thỏa thuận của Tòa Thánh Vatican.

Vào tháng 7, qua quá trình lâu dài tranh luận đến các Thánh Lễ cử hành theo nghi lễ La Tinh trước Công Đồng, Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã cho công bố một thông tư nới rộng cho phép cử hành Thánh Lễ La Tinh.

Trong thông tư Đức Giáo Hoàng nói rằng cử hành Thánh Lễ theo sách Lễ Qui Roma ấn bản năm 1962 nên có sẵn tại tất cả mọi giáo xứ nếu xét theo nhu cầu của Giáo Dân, thế nhưng Đức Thánh Cha vẫn nhấn mạnh đến Lễ Qui Roma ấn bản năm 1970 vẫn là ấn bản cử hành Thánh Lễ thông thường đối với người Công Giáo.

Đến tháng 11, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI phát hành thông điệp thứ 2 mang tên “Spe Salvi” (về niềm hy vọng Kitô Giáo), theo đó Đức Giáo Hoàng cảnh giác rằng nếu không có niềm tin vào Thiên Chúa thì nhân loại sẽ rơi vào lòng thương xót của những hệ tư tưởng mà nó có thể dẫn đến “những hình thức hết sức dã man và xúc phạm đến công lý”.

Một thông tư ngắn ngủi và mọi người không ngờ mà Đức Giáo Hoàng đã công bố vào hồi tháng 6 là trong Cơ Mật Viện khi bầu Giáo Hoàng, luôn đòi hỏi phải được 2/3 số phiếu và chỉ cho phép lấy đa số phiếu trong trường hợp gặp bế tắc không có lối thoát.

Trong năm qua Đức Thánh Cha cũng chuẩn y đến những văn kiện của các Bộ hay Hội Đồng trong Giáo Triều Roma. Chuẩn y văn kiện của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế bàn đến các trẻ em khi qua đời chưa được rửa tội mà theo truyền thống vẫn cho rằng các em phải nằm ở lâm bô chưa được lên thiên đàng, và theo văn kiện đã đưa ra những lý do hy vọng rằng các em dù chưa rửa tội những vần được vào thiên đàng.

Vào tháng 5, Đức Giáo Hoàng đã thực hiện chuyến tông du tới Brazil, đây là chuyến tông du đầu tiên tới Châu Mỹ La Tinh và là chuyến hành trình dài nhất trong triều Giáo Hoàng. Khai mạc Tổng Hội Nghị lần thứ 5 các Giám Mục Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribbea, Đức Thánh Cha cảnh giác đến sự xâm nhập của chủ nghĩa thế tục, những đe dọa chống lại gia đình và sự sói mòn đến giá trị truyền thống của Châu Mỹ La Tinh.

Tông du tại Âu Châu vào tháng chín, viếng thăm Áo Quốc, Đức Giáo Hoàng đã cầu nguyện tại đền Đức Mẹ với hàng ngàn tín hữu Công Giáo. Tại Italia, Đức Giáo Hoàng đến đến Pavia, và cầu nguyện trước mộ thánh Augustinô, rồi đến Assisi bước theo những bước chân của thánh Phanxicô Khó Nghèo, và tới Naples khai mạc hội nghị liên tôn.

Trong khuôn thành Vatican, Đức Giáo Hoàng Biển Đức tiếp tục thay thế những giáo sĩ trong Giáo Triều, thế nhưng sự biến đổi quan trọng nhất vẫn là mở Công Nghị Hồng Y và công bố 23 vị vào Hồng Y Đoàn. Lẽ ra sẽ được 24 vị nhưng một vị đã qua đời vào đêm trước khi Đức Giáo Hoàng công bố danh sách.

Đặc biệt trong năm 2007, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã đẩy mạnh sự cộng tác liên hệ với thế giới Hồi Giáo, bổ nhiệm Đức Hồng Jean-Loui Tauran là Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Liên Tôn.

Trong tháng 10, 138 người lão thành và chuyên môn Hồi Giáo đã đồng ký tên trong một văn thử gởi lên Đức Giáo Hoàng kêu gọi đến những nỗ lực đối thoại mới dựa trên niềm tin vào một Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại và sự bắt buộc nơi con người phải yêu thương lẫn nhau. Hồi âm lại, Đức Giáo Hoàng đã mời một nhóm gồm các học giả trí thức Hồi Giáo sẽ đến gặp gỡ với Ngài vào năm tới 2008.

Kể từ khi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI không chủ lễ phong Chân Phước, nhưng không vì thế mà Bộ Phong Thánh được rảnh rang, trong năm 2007 Bộ Phong Thánh đã cử hành 17 Thánh Lễ tôn phong Chân Phước. Đức Giáo Hoàng đã chủ tế nâng lên bậc hiển thánh 5 vị, đáng ghi nhớ là một tu sĩ dòng Phan Sinh Anton de Sant'Anna Galvão, vị thánh đầu tiên sinh trưởng tại Brazil.

Vấn đề ưu tiên hàng đầu trong những buổi tiếp kiếp chung hàng tuần, mà giới truyền thông ít để ý tới, đó là Đức Giáo Hoàng trình bày những chứng nhân Kitô và các thần học gia trong lịch sử giáo hội Công Giáo thời sơ khai.

Trong suốt năm qua, Đức Giáo Hoàng và các giáo sĩ trong Giáo Triều Vatican đã nhiều lần nói đến trách nhiệm tôn trọng thiên nhiên và chia sẻ các tài nguyên, và thế giới đang lo ngại đến môi trường bị hâm nóng. Chính tại Áo, Đức Giáo Hoàng cũng đã đề nghị rằng Chúa Nhật không chỉ coi như là một ngày nghỉ ngơi nhưng hãy coi như là “ngày lễ tạo dựng hàng tuần của giáo hội”. Tòa Thánh Vatican cũng đã cộng tác trong những dự án trồng trọt rừng ở Hungary nhằm bù đắp lại sự sa thải khí carbon và thành Vatican cũng đã tuyên bố để đặt hệ thống điện chạy bằng năng lượng mặt trời tại các thính đường ở Vatican.

Ngọc Loan

Mục lục

 

Hơn 2,8 triệu khách hành hương tham dự các cuộc tiếp kiến và buổi lễ của ĐGH Biển Đức XVI trong năm 2007

 

 

Vatican, ngày 29.12.2007 – Theo bản tin tổng kết của văn phòng báo chí Toà Thánh, trong năm 2007 đã có tổng cộng hơn 2,8 triệu khách hành hương tham dự các cuộc tiếp kiến và các lễ nghi phụng vụ của ĐGH Biển Đức XVI tại thủ đô Giáo Hội hoàn vũ Roma.


Hãng thông tấn Pháp đã trích lại bản tin được văn phòng báo chí Toà Thánh công bố vào ngày thứ bẩy 29.12.2007: 2.830.100 triệu tín hữu, khách hành hương và du khách đã đến tham dự các buổi tiếp kiến chung hàng tuần hay ngoại lệ và tham dự các buổi lễ phụng vụ do ĐGH Biển Đức XVI chủ sự tại quảng trường Thánh Phêrô hay trước nhà nghỉ mát mùa hè Castel Gandolfo gần Roma.


Con số này thấp hơn so với tổng số 3.222.820 người năm 2006, tiếp sau năm Đức Thánh Cha Biển Đức XVI được bầu làm chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ.


Số thống kê đã liệt kê chi tiết như sau: 1.450.000 người có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô để tham dự buổi nguyện kinh Truyền Tin vào giờ ngọ và nghe huấn đức của ĐTC. 729.100 người có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô để tham dự buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ tư hàng tuần. 442.000 người đã tham dự buổi lễ phụng vụ của ĐGH Biển Đức XVI tại thủ đô Giáo Hội hoàn vũ Roma. Sau cùng 209.000 người tham dự các buổi triều yết đặc biệt.

 

Mục lục

 

Ngày đầu năm ĐTC chủ sự Thánh Lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa

 

VATICAN. Sáng ngày Tết dương lịch 1-1-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô để kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cũng là dịp cử hành Ngày Hòa Bình quốc tế lần thứ 41.


Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ lúc 10 giờ sáng, có 5 vị là ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ĐHY Renato Martino, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Đức TGM Fernando Filoni, Phụ tá quốc vụ khanh, Đức TGM ngoại trưởng Dominique Mamberti, và sau cùng là Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Ngoài ra có 2 Hồng y đẳng phó tế tháp tùng ĐTC là ĐHY Lajolo, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh đặc trách Quốc gia thanh Vatican, và ĐHY Rylko Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân.

 

Trong số 8 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ, cũng có đông đảo các vị thuộc ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, 22 HY và hàng chục GM. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có 5 ca đoàn khác, gồm ca đoàn Mẹ Giáo Hội ở Roma, Ca đoàn các bạn trẻ Ca Viên Ngôi Sao từ Đức, và 4 ca đoàn khác từ Hoa Kỳ. 70 LM thuộc dòng Đạo Binh Chúa Kitô phụ trách việc cho rước lễ được ngồi phía sau bàn thờ chính.


Bài Giảng


Trong bài giảng, ĐTC đặc biệt nói đến khát vọng hòa bình của nhân loại và nhắc đến sứ điệp nhân ngày Hòa bình thế giới năm nay với chủ đề ”Gia đình nhân loại, cộng đồng hòa bình”. Ngài nói:


Tất cả chúng ta đều khao khát sống trong hòa bình, nhưng hòa bình chân thực, như được các thiên thần loan báo trong đêm Giáng Sinh, không phải chỉ là một sự chinh phục của con người hoặc là thành quả của những thỏa hiệp chính trị; hòa bình trước tiên là hồng ân của Chúa mà chúng ta phải không ngừng cầu khẩn, và đồng thời phải dấn thân kiên nhẫn thực hiện, trong tinh thần ngoan ngoãn tuân theo các giới răn của Chúa. Trong sứ điệp nhân ngày hòa bình thế giới hôm nay, tôi đã muốn làm nổi bật quan hệ chặt chẽ giữa gia đình và việc xây dựng hòa bình trên thế giới. Gia đình tự nhiên, dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, là ”chiếc nôi của sự sống và tình thương” và là ”người giáo dục đầu tiên và không thể thay thế được về hòa bình”. Chính vì thế, gia đình là tác nhân chính yếu của hòa bình, và mọi sự phủ nhận hoặc thu hẹp các quyền của gia đình, làm lu mờ sự thật về con người, sẽ đe dọa chính nền tảng của hòa bình” (nn.1-5). ”Tiếp đến, vì nhân loại là một ”đại gia đình”, nên nếu ta muốn sống trong hòa bình thì không thể không lấy hứng từ các giá trị làm nền tảng và điều hành cộng đoàn gia đình”.

 

ĐTC nhắc đến những dịp kỷ niệm trong năm nay, 60 năm công bố Tuyên ngôn nhân quyền của LHQ, 40 năm Đức Phaolô 6 thành lập Ngày Hòa bình thế giới và 25 năm Tòa Thánh chấp nhận Hiến chương về các quyền của gia đình. Ngài nói: ”Dưới ánh sáng các dịp kỷ niệm ấy, tôi mời gọi mọi người nam nữ hãy ý thức hơn nữa về sự kiện mình cùng thuộc về một gia đình nhân loại và dấn thân để sự sống chung trên mặt đất này ngày càng phản ánh xác tín vừa nói, vì sự thiết lập một nền hòa bình chân thực và lâu bền tùy thuộc xác tín chúng ta cùng thuộc về một gia đình nhân loại”.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC quảng diễn ý nghĩa của lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và ngài đề cao mẫu gương của Mẹ Maria trong việc con người kiến tạo hòa bình. Ngài nói:


”Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, cùng với tước hiệu Đức Trinh Nữ, là những tước hiệu cổ kính nhất và là nền tảng của mọi tước hiệu khác mà chúng ta tôn kính và tiếp tục cầu khẩn Đức Mẹ từ thế hệ này sang thế hệ khác ở Đông và Tây phương... Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta chiêm ngưỡng Đức Maria, Mẹ trọn đời đồng trinh Con Duy Nhất của Chúa Cha, chúng ta hãy học từ Mẹ cách thức đón nhận Chúa Hài Đồng đã sinh ra cho chúng ta tại Bethlehem. Nếu chúng ta nhận ra nơi Hài Nhi do Mẹ sinh ra là Con đời đời của Thiên Chúa và đón nhận Người như Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta, thì chúng ta có thể được gọi và thực sự là con Thiên Chúa. Thánh Tông Đồ đã viết: ”Thiên Chúa sai Con Ngài đến, sinh bởi người nữ, sinh dưới Lề Luật, để cứu chuộc những người ở dưới lề luật, để họ được nhận làm con” (Gal 4,4).

 

”Thánh Sử Tin Mừng Luca nhiều lần lập lại rằng Đức Mẹ suy niệm thinh lặng về những biến cố ngoại thường mà Thiên Chúa đưa dẫn Mẹ vào. ”Mẹ Maria cũng giữ những điều ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19).. Hài Nhi khóc oe oe trong máng cỏ, tuy bề ngoài giống như mọi hài nhi trên thế giới, nhưng đồng thời cũng rất khác biệt: Người là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa, là Chúa thật và là người thật. Mầu nhiệm nhập thể này của Ngôi Lời và thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria thật là cao cả và không dễ hiểu đối với trí tuệ loài người. Nhưng nơi trường của Mẹ Maria chúng ta có thể đón nhận trong tâm hồn điều mà con mắt và trí tuệ tự mình không thể hiểu và cũng không chứa đựng nổi. Thực vậy, đây là một hồng ân cao cả đến độ chúng ta chỉ có thể đón nhận trong đức tin, tuy không thể thấu hiểu hết. Và chính trên con đường đức tin ấy, mà Mẹ Maria đến gặp chúng ta, nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta. Người là Mẹ vì đã sinh ra Chúa Giêsu trong thể xác, Người là Mẹ vì đã hoàn toàn tuân theo thánh ý Chúa Cha. Thánh Augustino đã viết: ”Chính chức vị làm Mẹ Thiên Chúa sẽ không có giá trị gì đối với Mẹ, nếu Mẹ không mang Chúa Kitô trong tâm hồn, với một số phận may mắn hơn là việc Mẹ chịu thai Chúa trong thân xác” (De Sancta Virginitate, 3,3). Và Mẹ Maria tiếp tục gìn giữ trong tâm hồn Mẹ tất cả những biến cố kế tiếp mà Mẹ chứng kiến và giữ vai trò chính về sau này, cho đến cái chết trên thập giá và sự sống lại của Chúa Giêsu Con của Mẹ”.


Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em thân mến, chỉ khi nào gìn giữ trong tâm hồn, nghĩa là đặt chung tất cả và tìm được sự hiệp nhất của tất cả những gì chúng ta đang sống, chúng ta mới có thể noi gương Mẹ Maria đi vào trong một nhiệm một vị Thiên Chúa, vì yêu thương, đã làm người và kêu gọi chúng ta theo Ngài trên con đường yêu thương; một tình yêu phải được diễn tả hằng ngày qua việc quảng đại phục vụ anh chị em. Ước gì năm mới mà chúng ta tín thác khởi sự hôm nay, trở thành một thời gian trong đó chúng ta được tiến triển trong tri thức của tâm hồn, là sự khôn ngoan của các thánh. Chúng ta hãy cầu xin Chúa làm cho tôn nhan Ngài chiếu sáng rạng ngời trên chúng ta, thuận lợi và chúc lành cho chúng ta, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ I (cf Nm 6,24-7).


Trong phần lời nguyện phổ quát, có 5 ý nguyện bằng 6 thứ tiếng: Bồ đào nha, Nga, Đức, Arập, và Tây Ban Nha, được xướng lên, lần lượt cầu nguyện cho Giáo Hội luôn là một cộng đồng hiệp thông trong tình yêu thương và liên đới, cầu cho ĐTC và các vị chủ chăn của Giáo Hội luôn là những sứ giả không biết mệt mỏi của chân lý và chứng nhân hòa bình; cầu cho các gia đình, Giáo Hội tại gia, luôn thể hiện nơi mình mẫu mực nhân loại được hòa giải trong yêu thương và chiếu tỏa Tin Mừng hòa bình; cầu cho mọi dân tộc trên trái đất biết chiến thắng những xúi giục của bảo lực và chiến tranh, đồng thời dồn toàn năng lực vào việc kiến tạo hòa bình vững bền; sau cùng là cầu cho mọi người hiện diện biết cảm nghiệm an bình trong gia đình, trường học, nơi làm việc và trong mọi lãnh vực của đời sống dân sự.


Kinh Truyền Tin

 

Thánh lễ kết thúc lúc quá 11 giờ rưỡi và đúng 12 giờ trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để cùng với 60 ngàn tín hữu tụ tập ở Quảng trường Thành Phêrô dưới bầu trời nắng đẹp để đọc kinh Truyền Tin.


Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC quảng diễn ý nghĩa mầu nhiệm giáng sinh và chức vị làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Ngài nói: ”Mẹ Maria, sau khi mang lại một thân xác cho Con Duy Nhất của Thiên CHúa, đã trở thành mẹ của các tín hữu và toàn nhân loại.. Và nhân danh Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và loài người, từ 40 năm nay, trong ngày đầu năm, Ngày Hòa Bình thế giới được cử hành. Đề tài tôi chọn cho ngày hôm nay là ”Gia đình nhân loại, cộng đồng hòa bình”. Chính tình yêu kiến tạo và giữ cho gia đình được hiệp nhất, gia đình là tế bào sinh tử của Giáo Hội, tạo điều kiện cho sự thiết lập nơi các dân tộc trên thế giới các mối quan hệ liên đới và cộng tác của các phần tử cùng một gia đình nhân loại duy nhất... Vì thế có một quan hệ mật thiết giữa gia đình, xã hội và hòa bình. Bởi vậy ”người nào, dù vô tình, cản trở định chế gia đình, thì cũng làm cho hòa bình trong toàn thể cộng đồng, quốc gia và quốc tế, trở nên mong manh, vì làm suy yếu ”tác nhân chính yếu của hòa bình” (n.5). Ngoài ra, ”Chúng ta không sống cạnh nhau một cách tình cờ; tất cả chúng ta đang tiến bước trên cùng một con đường như con người và vì thế như anh chị em với nhau (n.6). Vì thế, điều thực sự quan trọng là mỗi người đảm nhận trách nhiệm của mình trước mặt Chúa và nhìn nhận Chúa là nguồn mạch nguyên thủy cuộc sống của mình và của tha nhân.”


Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC đặc biệt gửi lời chúc mừng Tổng thống và toàn dân Italia trong năm mới. Ngài cũng ca ngợi, khuyến khích và liên đới với các sáng kiến của các cộng đoàn Giáo Hội ở mọi đại lục nhân Ngày Hòa Bình Thế giới. Ngài chào thăm các tham dự viên tham gia cuộc tuần hành ”Hòa bình ở các nơi trên mặt đất” do Cộng đồng thánh Egidio khởi xướng ở Roma và nhiều thành phố trên thế giới. ĐTC cũng nhắc đến các thành viên Phong trào tình yêu gia đình đã canh thức đêm giao thừa vừa qua tại Quảng trường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho các gia đình cũng như cho Đại gia đình Giáo Hội. Với tất cả mọi người, ngài cầu chúc dồi dào an bình và những điều thiện hảo trong năm mới.

Mục lục

 

Kinh Chiều và kinh Tạ Ơn kết thúc năm 2007

 

VATICAN. Lúc 6 giờ chiều 31-12-2007, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự buổi hát kinh chiều I trọng thể lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và kinh Te Deum Tạ Ơn Thiên Chúa, nhân dịp kết thúc năm dương lịch 2007.


Hiện diện tại Đền thờ Thánh Phêrô còn có ĐHY Camillo Ruini, Giám Quản Roma, hơn 20 HY và 20 GM thuộc giáo triều, 7 GM phụ tá Roma, đông đảo các cha sở và tín hữu cùng với Ông Đô Trưởng và chính quyền miền Lazio và thành phố Roma, cùng với gần 10 ngàn tín hữu.


Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, ĐTC mời gọi mọi người dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì mọi ơn lành Chúa đã rộng ban trong 12 tháng qua. Dựa vào bài thánh ca Te Deum, ngài cầu xin Chúa trợ giúp mọi người dân thành Roma, trong đó đang có tình trạng thiếu thốn và nạn nghèo đè nặng trên đời sống nhiều cá nhân và gia đình, khiến cho họ không thể nhìn về tương lai với niềm tín thác.


ĐTC nói: ”Nhiều người, đặc biệt là người trẻ, bị thu hút vì sự đề cao giả tạo hay đúng hơn là sự tục hóa thân xác và tầm thường hóa tính dục; và làm sao không kể ra nhiều thách đố, liên hệ tới trào lưu duy tiêu thụ và trần tục hóa, đang đề ra những câu hỏi cho các tín hữu và những người thiện chí? Nói tắt một lời, ở Roma này người ta cũng cảm thấy có sự thiếu hy vọng và thiếu tin tưởng nơi sự sống và chúng trở thành một ”sự ác đen tối” trong xã hội tây phương tân tiến ngày nay”.


ĐTC cũng cầu xin Chúa canh giữ và bảo vệ cộng đồng giáo phận Roma đang dấn thân mạnh mẽ trên mặt trận giáo dục, để áp ứng nhu cầu cấp thiết về giáo dục, nghĩa là những khó khăn trong việc thông truyền cho các thế hệ trẻ những giá trị căn bản của cuộc sống và của lối cư xử ngay chính”. Ngài không quên cầu xin Chúa bảo vệ những sáng kiến truyền giáo của giới trẻ: những sáng kiến này đang gia tăng và càng càng được sự tham gia của người trẻ, dấn thân lãnh trách nhiệm và vui mừng loan báo, làm chứng tá Tin Mừng.


ĐTC dâng lợi cảm tạ Thiên Chúa vì trong những năm gần đây nhiều người trẻ được thánh hiến cho Thiên Chúa trong chức linh mục: hiện nay có 28 phó tế đang chuẩn bị chịu chức LM vào tháng 4 tới đây, như thế tuổi trung bình của hàng giáo sĩ được trẻ trung hóa và có thể đáp ứng những nhu cầu mục vụ ngày càng gia tăng trong giáo phận, cũng như có thể giúp đỡ các giáo phận khác nữa.


Cuối thánh lễ, có nghi thức đặt Mình Thánh Chúa và hát kinh Te Deum tạ ơn Thiên Chúa.


Cũng nên nói thêm rằng lúc 11 giờ rưỡi đêm 31-12-2007 có buổi canh thức giao thừa tại Quảng trường Thánh Phêrô do Phong trào Tình Yêu Gia Đình tổ chức lần thứ 5, để cầu nguyện cho ”sự hiệp nhất và tình thương trong gia đình và cho Giáo Hội là Gia đình của chúng ta”. Lúc giao thừa dương lịch, mọi người đã thắp nến sáng đón mừng năm mới với bài ca hân hoan và phó thác cho Chúa. Sau đó, nhiều người còn âm thầm cầu nguyện trước hang đá cho đến 7 giờ sáng 1-1-2008.


Sáng kiến này nhắm đề cao các giá trị mà gia đình cần tìm lại để mưu ích cho mọi phần tử, đó là tình hiệp nhất, ánh sáng, tình thương từ mầu nhiệm Giáng Sinh, đức tin và ý nghĩa đích thực của sự sống, trong niềm hiệp thông với Giáo Hội. (SD 31-12-2007)

Kinh Truyền Tin Lễ Thánh Gia

Vatican -- Buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa nhựt hôm nay mang nhiều nét đặc sắc. Trước hết, nhờ thời tiết tốt đẹp, các tín hữu đã đứng đầy quảng trường thánh Phêrô vừa để cầu nguyện vừa để đi thăm những hang đá vĩ đại được cất lộ thiên hoặc tại các thánh đường ở trung tâm thành phố Rôma. Nét đặc sắc nữa là buổi đọc kinh được trực tiếp truyền hình sang Madrid, thủ đô nước Tây ban nha, nơi mà một triệu rưỡi người tụ họp tại quảng trường Colon để tham dự một cuộc biểu tình nhằm ủng hộ gia đình, do các phong trào giáo dân tổ chức.

Tại Tây ban nha cũng nhữ nhiều quốc gia tại châu Âu hiện nay, định chế gia đình đang bị đe dọa không những vì những đạo luật cho phép ly dị, nhưng còn qua những việc hợp thức hóa những việc sống chung không cần hôn thú, thậm chí giữa những người đồng phái tính. Cuộc hội ngộ này bắt đầu từ lúc 11 giờ với nhiều chứng từ của các phong trào giáo dân, và đến 12 giờ thì được móc nối qua đài truyền hình với quảng trường thánh Phêrô để nghe bài huấn dụ của Đức Bênêđictô XVI, và ngài đã ngỏ lời trực tiếp với họ bằng tiếng Tây ban nha.

Sau những lời nhắc nhở về giá trị và sứ mạng của gia đình, ngài đã gửi lời chào tới các thành phần trong gia đình: các nhi đồng, các bạn trẻ, những người già yếu, những đôi hôn nhân. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

***

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Gia. Dựa theo Tin mừng thánh Matthêu và thánh Luca, chúng ta ngắm nhìn Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse, và chúng ta thờ lạy mầu nhiệm của một vị Thiên Chúa muốn sinh ra bởi một phụ nữ, đức thánh nữ trinh Maria, và đi vào thế giới này qua cuộc sống giống như hết tất cả mọi người. Làm như thế, Người đã thánh hóa thực thể gia đình, đổ tràn ân sủng xuống gia đình và mặc khải ơn gọi và sứ mạng của nó.

Công đồng Vaticanô II đã dành mối quan tâm đặc biệt đến gia đình. Công đồng tuyên bố rằng đôi hôn nhân là chứng nhân cho nhau và cho con cái về đức tin và tình yêu Chúa Kitô (Hiến chế về Hội thánh số 35). Như vậy gia đình thông dự vào ơn gọi ngôn sứ của Hội thánh: nhờ lối sống của mình, “họ lớn tiếng loan truyền những nhân đức của Nước Thiên Chúa và niềm hy vọng vào đời sống hạnh phúc”. Như vị tiền nhiệm đáng kính của tôi đã không ngừng lặp lại lặp lại, sự lành mạnh của cá nhân và xã hội gắn bó chặt chẽ với “sức khoẻ” của gia đình (xc. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 47).

Vì thế Hội thánh nỗ lực bảo vệ và cổ võ “phẩm giá tự nhiên và giá trị linh thiêng của hôn nhân và gia đình”, theo như lời của công đồng. Nhằm tới mục tiêu đó, vào lúc này đây, một cuộc biểu dương quan trọng đang diễn ra tại Madrid mà bây giờ tôi muốn ngỏ lời bằng tiếng Tây ban nha

(Đến đây, Đức Thánh Cha đọc bài huấn dụ bằng tiếng Tây ban nha).

Tôi xin chào thăm những người tham dự cuộc Hội ngộ các gia đình đang diễn ra tại Madrid vào Chúa nhựt hôm nay, tôi cũng xin chào thăm các hồng y, giám mục và linh mục đồng hành với họ. Đang khi chiêm ngắm mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trần gian được đùm bọc bởi tình yêu của đức Mẹ và thánh Giuse, tôi mời gọi các gia đình Kitô hữu hãy cảm nhận sự hiện diện trìu mến của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Đồng thời, tôi cũng khuyến khích họ, do tình yêu của Chúa Kitô thôi thúc, hãy làm chứng trước mặt thế giới về vẻ đẹp của tình yêu, hôn nhân và gia đình.

Gia đình được xây dựng trên sự kết hiệp bất khả phân giữa một người nam và một người nữ, tạo nên môi trường đặc biệt nơi mà cuộc sống con người được đón tiếp và che chở, từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc tự nhiên. Vì thế bậc cha mẹ có quyền lợi và nghĩa vụ cản bản phải giáo dục con cái, theo đức tin và những giá trị thăng tiến đời sống con người. Hoạt động cho hôn nhân và gia đình thật là một điều bõ công, cũng như thật là bõ công hoạt động để bảo vệ sự sống con người, vì là thọ tạo cao quý nhất do Thiên Chúa dựng nên.

Tôi xin ngỏ lời đặc biệt chào thăm các em thiếu nhi: các em hãy yêu mến và cầu nguyện cho các cha mẹ, anh chị của mình. Tôi muốn chào thăm các bạn trẻ: nhờ tình yêu của cha mẹ thôi thúc, các bạn hãy quảng đại theo đuổi ơn gọi hôn nhân, giáo sĩ và tu sĩ. Tôi muốn chào thăm những người già lão bệnh tật: cầu chúc họ tìm được sự giúp đỡ và cảm thông. Và với các đôi vợ chồng thân mến, anh chị em hãy tin tưởng vào ơn thánh Chúa, để tình yêu của anh chị em mỗi ngày được thêm chung thủy và dồi dào.

Tôi xin đặt những hoa quả của buổi lễ hôm nay trong tay của Đức Maria, Đấng đã mở cửa thế giới của chúng ta cho Thiên Chúa, và lời đáp của mình. Xin cám ơn tất cả.

Bình Hòa – Vatican Radio

Mục lục

 

Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình mừng đầy năm

 

Chiều ngày 29-12-2007, tại Trung tâm Nguyễn Văn Bình (trước đây là Trung tâm Phục Hưng), CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình đã tổ chức lễ mừng sinh nhật năm thứ nhất ngày ra mắt họat động (30/12/2006 – 29/12/2007), với sự hiện diện khá đông đủ của các thành viên và một số khách mời.
Nghi thức khai mạc được mở đầu với bài ca cảm tạ “Hồng ân Thiên Chúa bao la”, sau đó, Cha Chủ nhiệm Nguyễn Thái Hợp phát biểu chào mừng và giới thiệu một số thành viên mới. Ban Điều hành báo cáo về họat động của CLB trong một năm qua và nêu chương trình họat động trong năm 2008, trong đó nhấn mạnh đến việc tham dự một cách tích cực vào các họat động chuẩn bị Năm thánh 2010 của Giáo hội Việt Nam. Đây cũng là nội dung chính của buổi lễ hôm nay, cụ thể là thảo luận về ba tầm nhìn mà Đề án do ĐHY Phạm Minh Mẫn đã phác thảo: Nhìn lại lịch sử Giáo hội với tâm tình cảm tạ; Nhìn lại lịch sử Giáo hội để rút kinh nghiệm và nhất là nhìn tới tương lai của Giáo hội, “để làm mới hình ảnh gia đình Giáo hội”. Sau phần gợi ý của Ông Nguyễn Đình Đầu, Lm Nguyễn Ngọc Sơn và nữ tu Quynh Giao, những người hiện diện đã thảo luận sôi nổi và đóng góp nhiều ý kiến, trong đó nổi bật lên nỗi ưu tư về vai trò của giáo dân trong đời sống Giáo hội, cụ thể trong điều kiện xã hội Việt Nam.

 

Cuộc mừng “thôi nôi” CLB được tiếp diễn bằng thánh lễ Tạ ơn do Đức Cha Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Ủy Ban Giao lý Đức tin chủ sự, cùng đồng tế có LM Tổng Đại diện Hùynh Công Minh, Lm Đinh Châu Trân, Lm Trần Tam Tỉnh và Lm Nguyễn Thái Hợp. Vì là ngày lễ Thánh gia thất, Đức Cha chủ tế đã nhấn mạnnh đặc biệt đến quan niệm, hình ảnh Giáo hội là gia đình của Thiên Chúa ở giữa nhân lọai mà những giá trị, những tinh thần căn bản của gia đình, nhất là gia đình Giáo hội là tình yêu thương, lòng khoan dung tha thứ, tình hiếu thảo và tình huynh đệ. Thiếu một trong những giá trị, tinh thần này thì gia đình sẽ không hòan hảo. Do đó, ngài kêu mời mọi tín hữu luôn cố gắng vun đắp và thể hiện những tâm tình này trong cuộc sống của mình. Ngài nhắc lại niềm tự hào của Giáo hội Việt Nam vì tại Công đồng Vatican II, chính một Nghị phụ Việt Nam, Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, đã tham luận đề tài: Giáo hội là gia đình của Thiên Chúa ở giữa nhân lọai.
Cuộc lễ được kết thúc với bữa cơm huynh đệ, đượm tình anh em.


Được biết, theo báo cáo của ban Điều hành thì số thành viên sáng lập là 23 người, nay đã tăng lên 53 người, gồm đủ mọi thành phần Dân Chúa: Linh mục, tu sĩ và giáo dân, trong đó, giáo dân chiếm đa số. Câu lạc bộ nhận được sự nâng đỡ tinh thần từ Ủy Ban Giáo lý Đức tin mà dấu chỉ là sự hiện diện của Đức Cha Bùi văn Đọc trong ngày thành lập cũng như trong một số họat động của CLB, được sự khích lệ và động viên của Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn mà cụ thể là việc Ngài nhờ CLB một số công việc, như được nêu trong thư Ngài gửi cho CLB ngày 22-7-2007.

 

Trong 12 tháng qua, ngòai các sinh họat nội bộ, CLB đã tổ chức được các buổi mạn đàm thời sự vào các tháng 01, 03, 06 -2007, kết nạp thêm thành viên mới tháng 10-2007 và nhận thực hiện 16 đề tài nghiên cứu do Đức hồng y Phạm Minh Mẫn yêu cầu. Trong tương lai gần, CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về giáo dục, dự kiến vào tháng 4-2008 và một cuộc hội thảo khác hướng về Đại hội Dân Chúa, dự kiến vào tháng 9-2008.

 

CLB Phaolô Bình

Mục lục

 

Giáo phận Bắc Ninh vui mừng có thêm 8 tân linh mục.

 

Bắc Ninh, Việt Nam (1/01/2008) - Ngày 1.1.2008, Ngày Lễ Mẹ Thiên Chúa và cũng là ngày đầu năm mới dương lịch, đức cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ, Giám mục phụ tá giáo phận Bùi Chu, chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã long trọng truyền chức linh mục cho 8 thày phó tế: Giuse Lê Quốc Chinh, Giuse Trần Văn Chỉnh, Gioan Baotixita Nguyễn Như Ðịnh, Giuse Hà Mạnh Hoàn, Giuse Hoàng Trọng Hựu, Anrê Nguyễn Quang Phúc, Ðaminh Nguyễn Minh Tân và Phanxicô Xaviê Bùi Quang Thuận. Trong số này, vị tiến chức nhiều tuổi nhất sinh năm 1952 và trẻ tuổi nhất sinh năm 1974.

Thánh lễ truyền chức diễn ra lúc 9 giờ sáng tại Trung tâm Thánh Mẫu Từ Phong, giáo phận Bắc Ninh. Trung tâm này tọa lạc trên một ngọn đồi và vừa được khánh thành ngày 30.9.2007. Có khoảng 80 linh mục trong và ngoài giáo phận cùng đồng tế với đức cha Phêrô. Ước tính có gần 5,000 tín hữu tham dự thánh lễ. Thánh lễ diễn ra trong tiết trời rất đẹp. Trời trong xanh, chan hòa ánh nắng.

Trong bài giảng, đức cha Phêrô nêu lên những con số thống kê về linh mục và giáo dân Việt Nam cho thấy nhu cầu cần thêm nhiều linh mục phục vụ dân Chúa. Thêm 8 tân chức, giáo phận Bắc Ninh đã có tất cả 42 linh mục phục vụ 125,000 giáo dân trong tổng số hơn 7 triệu dân sinh sống tại các vùng đất thuộc giáo phận. Như thế, cánh đồng truyền giáo tại giáo phận quả là bao la. Ðức cha kêu mời các tân linh mục noi gương truyền giáo hăng say của thánh Phanxicô Xaviê. Tiếp đó, đức cha đã dùng câu truyện cây tre để sánh ví với căn tính hi sinh của linh mục. Người chủ vườn chặt bỏ hết cành lá, róc hết mấu mắt, rồi bổ đôi thân tre để dùng làm chiếc máng dẫn nước từ suối nguồn vào mảnh vườn làm trỗi dậy những cây cối xanh tốt. Ðể trở nên dụng cụ có ích, cây tre phải hi sinh đau đớn. Chúa cũng sử dụng các linh mục như vậy. Các linh mục cần phải khiêm nhường hi sinh để làm dụng cụ chuyển tải tình yêu và sự sống của Chúa cho muôn dân. Ðức cha mong ước các tân linh mục sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu đến độ có thể nói như thánh Phaolô: Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi.

Cuối thánh lễ, tân linh mục Giuse Lê Quốc Chinh thay lời cho 8 tân chức dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và bày tỏ lòng tri ân các Ðấng bậc đã dày công đào tạo, cảm ơn bố mẹ, gia đình, ân nhân, thân hữu bạn bè gần xa và rất nhiều người đã cầu nguyện, trợ giúp, nâng đỡ, khích lệ các tân chức cả tinh thần lẫn vật chất. Ngài xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho các tân linh mục để có thể chu toàn những sứ vụ mới Chúa trao.

Tiếp đó, cha đại diện nội vụ Giuse Trần Quang Vinh đã bày tỏ niềm vui mừng của giáo phận Bắc Ninh có thêm 8 linh mục là những thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo. Bắc Ninh hi vọng sẽ có một mùa gặt bội thu. Cha Ðại diện cảm ơn đức cha chủ tế, quý linh mục và mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài giáo phận đã đến chung vui với Bắc Ninh.

Cánh đồng truyền giáo tại Bắc Ninh quả là bao la. Vì thế, thật là ý nghĩa khi chọn câu Kinh Thánh "Anh em hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân" (x. Mc 16,15) làm khẩu hiệu lễ truyền chức. Nhớ lại những năm tháng trong thập niên 80 thế kỉ trước, cả giáo phận Bắc Ninh chỉ có "một linh mục rưỡi" mà giáo phận vẫn duy trì giữ vững đức tin. Giờ đây giáo phận đã có 42 linh mục. Như thế, lúc này không chỉ là giữ đạo, mà phải là thời của truyền đạo, thời của loan báo Tin Mừng một cách nhiệt thành.

Lễ truyền chức hôm nay diễn ra tại Trung Tâm Thánh Mẫu. Nhìn lên tượng Ðức Mẹ ban ơn tại trung tâm, tôi thấy Mẹ đang giang rộng cánh tay, mở rộng trái tim ban ơn cho cả cộng đoàn hiện diện. Mẹ có nhiều cách ban ban ơn, nhưng chắc chắn một trong những cách đó là Mẹ muốn ban ơn qua những đôi tay của các tân linh mục. Mẹ thầm mong các tân linh mục mở rộng lòng, giang rộng đôi tay để cử hành bí tích, để chúc lành, để phục vụ, để cho đi tất cả yêu thương.

Người Việt thường tin rằng: Ðầu năm gặp xui, cả năm xúi quẩy; đầu năm đón lộc, cả năm may lành. Vậy thì, ngay ngày đầu tiên của năm mới 2008, giáo phận Bắc Ninh đã vui mừng đón nhận "lộc" Trời ban: 8 tân linh mục. Hi vọng những "chồi lộc" thánh ân này sẽ trở thành những cây xanh tươi tốt sinh nhiều hoa thơm trái ngọt cho muôn người chung hưởng. Tin tưởng rằng, ngày đầu năm mới đón lộc chỉ là khởi điểm của cả một năm Bắc Ninh đón nhận nhiều phúc lộc, vui hưởng nhiều ơn lành hơn nữa.

Ngày 2.1.2008, ngày liền sau hôm lễ truyền chức, tất cả 8 tân linh mục đều cùng dâng lễ tạ ơn tại quê hương mình vào lúc 9 giờ sáng. Như thế, có thể nói, khắp mọi nơi trong giáo phận Bắc Ninh từ đồng bằng đến miền núi, từ nông thôn tới thành thị đều cùng vang lên lời tạ ơn Thiên Chúa, đều cùng chung hưởng một niềm vui trọng đại.

Xin chúc mừng 8 tân linh mục! Ước mong cho đời linh mục dâng hiến luôn chan chứa niềm vui như một lễ truyền chức kéo dài. Cảm tạ Thiên Chúa đã trao ban những tân linh mục như những quà tặng quí giá cho giáo phận Bắc Ninh. Tin rằng, với lòng hi sinh phục vụ chan chứa tin yêu, các tân linh mục sẽ trở thành những mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước.

 

Nguyễn Xuân Trường

 

Mục lục

 

GIÁO PHẬN PHAN THIẾT MỪNG LỄ BỔN MẠNG
KHÁNH THÀNH NHÀ TĨNH TÂM VÀ HƯU DƯỠNG



 


Ngày 01.01.2008 lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Giáo phận Phan thiết tổ chức Lễ khánh thành nhà tĩnh tâm–hưu dưỡng. Đây là công trình được xây dựng trên diện tích 4000m2 mà nhà nước trả lại cho Toà Giám Mục năm 2006. Sau 10 tháng thi công công trình đã hoàn thành với diện tích 2700m2, bao gồm 1 trệt 3 lầu. Có 40 phòng, trong đó dãy trệt dành cho các cha già hưu dưỡng, các dãy lầu làm văn phòng mục cho các uỷ ban, hội trường, nhà nguyện làm nơi tĩnh tâm cho các đoàn thể.


Đồng tế thánh lễ có Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Đức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Đức Ông Tổng Đại Diện JB Lê Xuân Hoa, linh mục đoàn giáo phận. Đông đảo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, hội đồng mục vụ các cấp và quan khách cùng chung lời tạ ơn.

 

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Phaolô suy niệm:Tin mừng Lc 2, 16-21.


Ngày 25 tháng 12 vừa qua, chúng ta đã mừng mầu nhiệm Thiên Chúa Ngôi Hai giáng sinh làm người. Hôm nay chúng ta mừng Mẹ Maria, Mẹ của Thiên Chúa, vì Mẹ đã cưu mang, đã sinh hạ, dưỡng dục Chúa cho đến ngày Chúa trưởng thành. Hai lễ này cũng là hai mặt của một mầu nhiệm Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là con người thật. Đã là người thật thì Ngài có mẹ có cha. Là người, Ngài được thụ thai trong lòng mẹ, được chăm nom, bú mớm, học bò, học đi, học chữ, học nghề…để trưởng thành. Là người, Ngài bám rễ sâu vào một dân tộc, dù là nhỏ bé như xứ Palestine nhưng nó có lịch sử, có văn hoá, có tiếng nói, có vị trí địa lý trên mặt địa cầu này.


Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: Đức Giêsu là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người.


Trong Tin Mừng ta thấy bản tính Thiên Chúa của Ngài được loan báo trong các biến cố như: Truyền tin, Lời Thiên thần loan báo cho các mục đồng, Lời Tiên tri Simêon. Ngài lớn lên trong mái ấm gia đình. Đến năm 30 tuổi Ngài bắt đầu công cuộc rao giảng, lúc đó Ngài mới chứng tỏ mình là Con Thiên Chúa. Sứ mệnh của Ngài là đem Tin Mừng đến cho người nghèo khó và thực hiện cuộc giải phóng thiêng liêng cho mọi người. Trong giai đoạn này, có những người khám phá ra lai lịch mầu nhiệm của Ngài. Trước tiên là các tông đồ. Phêrô sau mẻ cá lạ lùng đã nhận ra Ngài là Thiên Chúa “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. (Lc 5,8). Sau nhiều phép lạ, nhất là phép lạ hoá bánh ra nhiều,Chúa thăm dò dư luận quần chúng về Ngài, rồi Chúa hỏi các Tông đồ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ông Phêrô thưa: “Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).


Tuy nhiên niềm tin đó chưa bao lâu, thì cuộc khổ nạn của Chúa đã làm tan biến hết. Mặc dầu Chúa đã báo trước cái chết thê thảm nhục nhã của Ngài. Các Tông đồ tuyệt vọng và trốn biệt. Chỉ còn Gioan vì thương Chúa quá nên bỏ đi không được. Mãi cho tới ngày Phục Sinh, Chúa đã gặp họ, họ mới hoàn hồn. Tôma một người cứng lòng tin, đòi thọc ngón tay vào lỗ đinh và thọc cạnh tay vào cạnh sườn bị đâm thâu. Ngày thứ tám, Chúa xuất hiện và cho Tôma một cơ hội để phục hồi lòng tin. Chúa đến bên ông và mời ông cứ làm như ông muốn. Lúc đó Tôma đã khiêm tốn quỳ xuống và tuyên xưng: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con.”.


Cuộc đời trần thế của Chúa, từ ngày chào đời cho đến ngày chịu đóng đinh trên thập giá rồi phục sinh, là một mầu nhiệm lớn lao. Ngài vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật. Nơi Ngài không tách rời bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại. Mẹ Đức Giêsu Nazareth cũng là Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa.

Hôm nay Hội thánh mừng danh thánh mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vừa để tôn vinh hồng ân Chúa ban cho mẹ, vừa tạ ơn Chúa đã thực hiện công trình Cứu độ chúng ta cách kỳ diệu khi xuống thế làm người. Trong hồng ân ấy, Chúa còn cho Mẹ một tước hiệu nữa, Mẹ trở thành Mẹ của chúng ta.


Đức Maria Mẹ Thiên Chúa là “Người Mẹ của Hòa Bình”. Đầu năm Dương Lịch, cả Hội Thánh dâng lời cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Trong những ngày Giáng Sinh vừa qua, hình ảnh Mẹ Maria bên cạnh hài nhi Giêsu, Hoàng tử Hòa Bình và thánh cả Giuse đã cho chúng ta cảm nhận được ý nghĩa đích thực của bốn chữ “bình an dưới thế”. Đó là sự bình an của máng cỏ khó nghèo. Đó là sự bình an của những tâm hồn mục đồng đơn sơ chất phác. Đó là sự bình an của những đạo sĩ phương đông khao khát kiếm tìm chân lý. Đó là sự bình an của những tâm hồn khiêm hạ tuân phục thánh ý Thiên Chúa như Maria, như Giuse. Đó là sự bình an được gặp gỡ Thiên Chúa, bồng ẵm Chúa trên đôi tay già nua cằn cỗi của mình như cụ già Simêon. Cầu nguyện cho hòa bình và mỗi người phải là tác nhân đi xây dựng hòa bình, phải là những tông đồ mang “Hoàng Tử Bình An” đến cho nhân loại.


Nhìn về Giáo phận Phan Thiết thân yêu,nhờ ơn Đức Cha Nicolas đã chọn Mẹ Thiên Chúa làm bổn mạng cho Giáo phận, kể từ ngày được khai sinh trong khói lửa chiến tranh mịt mù, lớn lên giữa bao thăng trầm lịch sử, tưởng chừng như không còn chút tương lai. Vậy mà hơn 30 năm qua dưới bàn tay dìu dắt vừa êm đềm dịu hiền, vừa mạnh mẽ vô song của Mẹ, Giáo phận cứ từng bước đi lên. Tòa Giám mục, từ một căn nhà gỗ bé nhỏ đến những dãy nhà khang trang, rồi chủng viện Nicolas và đến ngôi nhà lớn lao trước mắt chúng ta đây. Trung tâm hành hương Đức Mẹ Tapao, nơi Mẹ khơi nguồn hồng ân, muôn vàn khách hành hương lui tới đêm ngày. Tại các xứ đạo, họ đạo, giáo điểm với niềm tin đang được khơi dựng từ từ, con số các linh mục tu sĩ, chủng sinh tăng lên không ngừng…, đó là những hình ảnh, những dấu ấn lớn lao biểu lộ sự yêu thương che chở của Mẹ. Ngày hôm nay chúng ta hãy reo mừng tạ ơn Mẹ. Đời đời chúng ta yêu mến Mẹ. Chúng ta hãy cùng với Mẹ tung hô Thiên Chúa vinh quang “Linh hồn tôi tung hô Chúa…”


Cuối thánh lễ, Đức Ông Tổng Đại Diện JB Lê Xuân Hoa đọc lời cám ơn.


 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

Năm mới 2008 Ðem Lại Hồng Ân Cho Giáo Phận Huế.

 

Huế, Viêt Nam (01/01/ 2008) - Một năm mới đang khởi sự tại giáo phận Huế, bằng việc khởi đầu năm Toàn xá của Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI dành cho Giáo Phận này nhân ngày đầu năm Dương lịch 2008. Lễ trọng Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa.

Hơn 3,000 Tu sĩ và giáo dân, kéo về nhà thờ chính toà Phủ Cam để tham dự thánh lễ khai mạc Năm Thánh và Truyền chức Linh mục cho 5 thầy phó tế. Ðức Tổng Giám Mục Huế đã chủ sự Thánh lễ, cùng đồng tế với ngài có Ðức cha phụ tá Giáo Phận Huế, Ðức Ðan viện phụ dòng Thiên An, Cha giám đốc Ðại chủng viện Huế, Cha bề trên dòng Thánh Tâm, Cha quản xứ nhà thờ chính toà Phủ Cam và gần 100 Linh mục trong và ngoài Giáo Phận.

Ðức Tổng Giám Mục Huế Têphanô Nguyễn Như Thể nói rằng ngài đã thỉnh cầu lên Ðức Thánh Cha và được ngài nhận lời, ban Năm toàn xá cho Giáo Phận với lý do nhân dịp 100 năm xây dựng nhà thờ chính toà, Ðức cha giải thích rằng vì nhà thờ này là ngôi nhà thờ mẹ, nơi đặt toà Giám mục của vị chủ chăn và cũng là nơi biểu lộ sức sống và sự hiệp nhất của Giáo Phận.

Ðức Tổng cho biết ý nghĩa của biểu tượng (logo) năm thánh của Giáo Phận là hình trái tim, bên trong là hình nhà thờ chính toà Phủ Cam, hai bên có hai hàng số 326 và 100, ngài giải thích rằng số 326 là kỷ niệm 326 năm thành lập của Giáo xứ Phủ Cam, số 100 là kỷ niệm 100 năm xây dựng nhà thờ chính toà Phủ Cam.

Vị chủ chăn Giáo Phận kêu gọi mọi thành phần dân Chúa phải biết tri ân Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Các vị chủ chăn Giáo Phận đã khuất bóng như Ðức cố Giám mục Giuse Allys người đã khởi công xây dựng nhà thờ chính toà, Ðức cố Ðức Tổng Giám Mục Phêrô Ngô Ðình Thục và Ðức cố Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Ðiền.

Trước đó, Linh mục Stanislaô Nguyễn Ðức Vệ, quản xứ nhà thờ chính toà cho biết để lãnh nhận được ơn toàn xá, mỗi tín hữu phải có lòng thống hối và điều kiện thông thường để nhận lãnh ơn toàn xá, phải xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Ðức Thánh Cha vào 7 ngày lễ thánh trong năm do vị chủ chăn Giáo Phận chỉ định.

Ðầu năm mới 2008 Giáo Phận Huế có thêm niềm vui mới, Ðức Tổng Giám Mục Huế đã phong chức Linh mục cho 5 thầy phó tế, gồm 2 tiến chức Ðại chủng viện Huế, 2 tiến chức dòng Thánh Tâm và 1 tiến chức thuộc đan viện Thiên An Huế.

Việc phong chức cho 5 tân Linh mục đã gia tăng số Linh mục trong Giáo Phận, tuy nhiên một giáo xứ ở các vùng sâu vùng xa vẫn còn thiếu Linh mục hoặc một số Linh mục già yếu, bệnh tật ở thành phố vẫn còn gặp nhiều rắc rối trong vấn đề thuyên chuyển.

Giáo dân Huế sung sướng vì mùa xuân mới, đang về trên quê hương Việt Nam, những nụ hoa của Năm Thánh 2008 đang nở trong nhà thờ chính toà Phủ Cam Huế để chào đón mọi tín hữu khắp nơi hành hương đến Huế để nhận ơn toàn xá.

 

Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo

Mục lục

 

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

Lời chủ chăn tháng 1.2008:

LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI ?

 

Anh em ứng sinh, ứng viên, linh mục thân mến

 

  1. Nhìn lại hành trình ơn gọi linh mục của mình, tôi nhớ là từ tuổi thiếu niên đã được truyền dạy “linh mục là Alter Christus”. Và sau này lớn lên dần dần mới nhận ra rằng Alter Christus không phải là một địa vị, một thế lực hay một quyền uy, song là một ơn huệ mà Chúa thương ban cho linh mục qua Bí tích Truyền Chức Thánh. Vì ơn Cứu Độ của loài người. Ơn huệ nhưng không đó là ơn trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Linh Mục, nhằm phục vụ cho Tin Mừng và cho sự sống và phẩm giá của mọi người. Và kinh nghiệm trong đời sống và chức vụ linh mục dần dần xác định rõ nét cho tôi lộ trình nên giống Chúa Kitô Linh Mục. Theo lộ trình này, thường ngày linh mục cần làm gì để chăm sóc và vun tưới cho ơn Bí Tích Truyền Chức Thánh sinh hoa kết quả ngày càng dồi dào cho dân Chúa ?

 

 

  1. Trước hết, trong đời sống cầu nguyện hiệp thông với Chúa, thay vì  chỉ làm theo thói quen máy móc, hay chỉ vì bổn phận đòi buộc, linh mục hãy yêu mến Mẹ Maria và sống theo gương Mẹ, năng cùng Mẹ với cả con tim, lắng nghe, chiêm ngắm và kết hiệp với Chúa Kitô là nguồn sống mới cho đời mục tử của linh mục. Nếu được thế, những ai tiếp cận linh mục sẽ dần dần cảm nhận Chúa Kitô đang khiêm tốn hiện diện với họ như nguồn ánh sáng và sức mạnh cho niềm tin yêu và hy vọng của họ.

 

 

  1. Trong đồng hành mở đường và trợ lực cho các cộng  tác viên, các đối tượng phục vụ, thay vì chỉ thụ động phản ứng theo cảm xúc của con người phàm tục, không chủ động tìm hiểu và đáp ứng những nhu cầu thiêng liêng của con người, linh mục hãy luôn ý thức sống với  Chúa Thánh Thần, hãy ý thức theo sự soi dẫn của Người, vì Người là suối nguồn Tình Yêu, là năng lực yêu thương, là Đấng thánh hoá và đổi mới tâm hồn, con tim và đời sống linh mục theo hình dạng của Chúa Kitô. Nếu được thế, những ai tiếp xúc với linh mục sẽ dần dần cảm nhận Chúa Kitô đang hiện diện và đồng hành với họ trên Đường  dẫn họ đến nguồn Chân Lý tròn đầy, tận suối Tình Yêu vô biên, tận mạch Sự Sống viên mãn.

 

 

  1. Trong các hoạt động mục vụ thường ngày, thay vì học đòi sự khôn ngoan của thế gian và chạy theo thói đời, linh mục tập ý thức gắn kết đời mình với Lời Chúa. Lời Chúa trong Sách Thánh cũng như trong cuộc sống của Giáo Hội. Lời đó trước hết thông cho linh mục Sức Sống, Ánh sáng và Bình An của Chúa Kitô. Nếu được thế, lời rao giảng của linh mục sẽ đi đôi với gương sáng, và sẽ mở đường cho nhiều người đi đến sự sống chan hoà ánh sáng chân lý và bình an.

 

  1. Trong đời sống mục tử thường ngày, thay vì chiều theo đam mê xác thịt, hành động theo sự thúc đẩy của lòng tham sân si, linh mục hãy  đem hết tâm trí gắn bó với hy lễ của Chúa Kitô trên bàn thờ cũng như trong đời sống của Giáo Hội. Hy lễ đó đổ vào lòng linh mục tâm tình yêu thương và hiệp nhất, năng lực hy sinh và phục vụ. Nếu được thế, cuộc đời linh mục sẽ toả sáng lòng quảng đại bao dung và thương cảm của Chúa Kitô đối với mọi người, nhất là người đau khổ, tùng quẫn và bất hạnh.

 

  1. Trong quan hệ mục vụ cũng như quan hệ xã hội thường ngày, thay vì buông theo sức hút của danh vọng, quyền lực và lợi lộc, linh mục hãy tâm niệm và khắc hoạ vào tâm hồn và cuộc đời mình hình ảnh Chúa làm người và ở giữa loài người. Chúa đã làm người đồng hoá và gắn bó với con người. Làm người đồng cảm với gia đình. Làm người hy sinh chịu chết vì họ và cho họ. Nếu được thế, linh mục sẽ hiện diện với họ như người môn đệ chân chính  Chúa Kitô yêu thương và phục vụ. Người môn đệ đó là người luôn ý thức và nỗ lực  tác  với Chúa Thánh Thần đang kiến tạo một cộng đồng nhân loại mới, một cộng đồng sống trong sự thật và công bằng, trong sự thánh thiện và hiệp nhất, trong yêu thương và bình an.

 

  1.  Đó là lộ trình sống ơn Bí Tích Truyền Chức Thánh để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Linh Mục, như lòng Chúa mong ước. Lộ trình đó còn được gọi là linh đạo linh mục, là con đường nên thánh của linh mục. Lộ trình đó kéo dài suốt đời người và không những cần ý chí quyết tâm và kiên trì của mỗi người, song còn cần đến lời cầu nguyện và sự hỗ trợ của nhiều người, đặc biệt của các bạn đồng liêu và đồng hành trong hàng linh mục. Đó cũng là ước mơ và là tâm nguyện thường ngày của tôi đối với anh em linh mục là những cộng sự viên thân thiết của Giám mục. Và trong đời sống mục tử thường ngày, tôi cũng cảm thấy cần đến sự đồng hành và lời cầu nguyện của mọi người như vậy.

 

 

Toà TGM Tp.HCM, Ngày 15 tháng 12 năm 2007

 

Gioan B. Phạm Minh Mẫn

Hồng Y Tổng Giám mục

Mục lục

CHIẾC BAO TAY

Đôi bao tay ngày nay khá thông dụng. Không những được dùng trong công ty xí nghiệp, mà còn trong công sở, hay ở chốn phố thị ta cũng thấy đầy người sử dụng. Còn hơn cả vì công việc, bao tay còn dùng để che nắng, che mưa, chống gió, chống bụi, chống lạnh nữa. Bao tay có rất nhiều loại và đủ mọi kích cỡ. Chúng tật tiện dùng.

Nhưng nó chỉ có giá trị khi bàn tay còn trong bao tay mà thôi. Khi ấy bao tay còn làm được nhiều chuyện, chúng thực sự hữu ích.

Còn nếu rút tay ra khỏi bao tay, nó sẽ trở nên vô dụng, nó chỉ là một mảnh vải, một miếng da, một đống len bất động. Dù ta tức bực khó chịu với thì cũng chỉ vô ích, chúng là một thứ vô hồn.

Nếu liên hệ với con người, chúng ta thấy mình giống như những chiếc bao tay vậy.

Ta chỉ là bao tay, còn Chúa Thánh Thần mới chính là Bàn Tay. Giáo hội ca tụng Thần Khí là Bàn Tay Thiên Chúa. Không có Thánh Thần, chúng ta chẳng làm gì được, nhưng có Ngài, ta làm được nhiều chuyện, như Chúa Giêsu đã nói : “Thật Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy thì người đó còn làm những việc lớn hơn nữa” (Ga 14, 12). Và với Thánh Thần, chúng ta có sức chịu đựng tất cả : “với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4, 13).

Hãy ca tụng Thiên Chúa quyền năng đã tỏ bày vinh quang, danh dự và uy quyền trên con người mỏng giòn yếu đuối.

Hãy tạ ơn Thiên Chúa vì mình được trở thành chiếc bao tay, và qua đó, hồng ân được tuôn xuống cho nhiều người.

Hãy ngợi khen Thiên Chúa đã biến ta thành dụng cụ tích cực để cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài.

Hãy chúc khen Thiên Chúa toàn năng vì đã làm cho ta trở thành những chiếc bao tay có gia trị, có sức sống.

Hãy soi mình vào Chúa Giêsu, Đấng hiền từ và khiêm nhường trong lòng, ta sẽ biết giới hạn và thân phận của mình mà bắt chước Ngài sống khiêm nhường, không kiêu căng tự phụ.

Gioan Tẩy giả, hình ảnh giúp ta suy nghĩ thật nhiều về hai chữ khiêm nhường. Ông không muốn có sự ngộ nhận của dân chúng khi tìm đến, nghi ngờ ông là đấng cứu thế. Ông công khai nói lên sự thật về thân phận của mình và thân phận của Đức Giêsu.

Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là Êlia, càng không phải là Đấng cứu độ.

Tôi đến trước nhưng lại có sau, Đấng đến sau nhưng lại có trước tôi.

Phép rửa của tôi chỉ giúp cho việc sám hối, chuẩn bị đón Chúa mà thôi. Còn Đấng ấy thì rửa bằng Thánh Thần và lửa. Đấng ấy thật vĩ đại, lớn lao, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người là Chiên Thiên Chúa, Người sẽ cứu thế gian khỏi tối tăm của sự chết.

Ông không hề tranh đấu để tìm phần thắng về mình, nhưng mạnh dạn nói lên sự thật để mọi người không những tìm đúng Người mà còn mau mắn chuẩn bị đón Người nữa. Ông thật khiêm nhường.

Xin Chúa cho ta nhận ra những phúc lộc của Người ban cho ta trong cuộc sống theo thời gian mà hết lòng khiêm tốn đón nhận một cách trân tọrng và yêu mến. Và cũng hãy nhớ rằng, tất cả những gì mình đã cò, đang có và sẽ có, đều là hồng ân của Thiên Chúa ban cho, chứ không phải do chính ta. Vì thế, không có lý do gì để ta lên mặt, kiêu căng, kênh kiệu, mà hãy liên lỉ ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi của chúng ta.

Thanh Thanh

Mục lục

 

 

Tâm tình chia sẻ với tân linh mục

 

Gioan Baotixita Nguyễn Như Định


 thụ phong linh mục ngày 1.1.2008 tại Gp. Bắc Ninh.



Cha Định thân mến,


Mình đã nhận được thiệp mời của cha (gọi cha trước cũng được nhé) tham dự thánh lễ truyền chức linh mục của cha tại giáo phận Bắc Ninh, nhưng vì đường sá xa xôi cách trở nên mình không tham dự được, do đó mình xin chia sẻ với cha nhân dịp ngày cha chịu chức linh mục.


Thế là, kể từ đây -ngày 1.1.2008- giáo dân sẽ không còn gọi cha là thầy già nữa, sẽ không còn gọi là thầy Định nữa, nhưng sẽ gọi là cha Định, là linh mục, nghĩa là cha đã được liệt vào hàng công hầu khanh tướng của Chúa Giê-su: linh mục Gioan Baotixita Nguyển Như Định. Cha bước lên bàn thánh Chúa khi tuổi đời đã năm mươi lăm (55), với biết bao là gian nan vất vả trên con đường đi theo ơn gọi của Chúa, cha đã thực sự được Chúa trui luyện trong lò lửa yêu mến và thử thách giữa cuộc đời đầy cám dỗ.


Trong tâm tình là người anh em linh tông cùng một nghĩa phụ, và trong tâm tình của một người đã quen biết nhau từ ngày cha còn tham gia nhóm Points-Coeur, tạm trú tại nhà thờ Fatima, Quận I, Tp. Saigon, mình xin chia sẻ mấy cảm nghiệm về đời linh mục với cha.


1. Bổn phận mới, trách nhiệm lớn.


Có nhiều thầy lớn tuổi mới chịu chức linh mục, nên kinh nghiệm mục vụ cũng khá nhiều, cho nên vì thế mà có một vài thầy lớn tuổi, sau khi chịu chức xong thì hãnh diện nói với giáo dân rằng, mình đã từng giúp xứ nên kinh nghiệm mục vụ đầy mình. Sự hãnh diện này cũng đúng thôi, vì thời gian giúp xứ nhiều thì chắc chắn sự hiểu biết về mục vụ giáo xứ cũng nhiều hơn. Nhưng, đó chính là cạm bẩy của sa-tan mà ít người biết, chính nó (sa-tan) đã thổi phồng lòng kiêu ngạo của các vị linh mục lớn tuổi mới chịu chức ấy thỏa mãn với kinh nghiệm mục vụ của mình, thế là có một vài chuyện đáng tiếc xảy ra, như: coi thường cha sở già, làm việc tự tung tự tác (vì coi mình đã có kinh nghiệm giúp xứ), và có khi hãnh tiến với các linh mục trẻ tuổi.


Thực ra, bổn phận của linh mục thì rất khác với một ông thầy già giúp xứ, dù thầy đó giúp xứ cả mấy chục năm trời, bởi vì linh mục là một chức vụ thánh, một bổn phận và một trách nhiệm vô cùng lớn lao không thể như một thầy giúp xứ được, do đó mà cái cảm giác rất khác nhau khi một thầy lớn tuổi làm linh mục được bài sai coi sóc giáo xứ, khác với một thầy giúp xứ lâu năm. Nếu đã có kinh nghiệm lâu năm về mục vụ giáo xứ, thì đó là một thuận lợi để công việc mục vụ giáo xứ của cha thành công hơn, chứ không phải để cha khoe khoang và ỷ lại với những gì mình đã biết đã làm khi còn giúp xứ.


Linh mục là một chức vụ thánh, do đó công việc của cha sau này là công việc thánh mà Thiên Chúa đã chọn cha làm điều đó: thánh hóa các linh hồn, thánh hóa giờ đọc kinh phụng vụ, thánh hóa giờ cầu nguyện, và thánh hóa giờ giải trí học hành của cha cũng như của giáo dân.


Linh mục là một bổn phận và trách nhiệm: khi chưa làm linh mục thì cha thong dong làm việc nhà xứ còn trách nhiệm thì ở nơi cha sở, nhưng khi làm linh mục rồi thì bổn phận ấy và trách nhiệm ấy đều ở trên đôi vai và đè nặng tâm hồn của cha, cha sẽ lo lắng khi giáo dân ít đến nhà thờ, cha sẽ buồn hơn khi giáo dân phê bình cha, cha sẽ cô đơn hơn khi giáo dân chống đối cha.v.v..., bởi vì là bổn phận nên trách nhiệm phải chu toàn, do đó, mà có khi cha phải thốt lên lời xin Chúa cất bớt gánh nặng bổn phận trách nhiệm trê vai mình, nhưng Chúa không bao giờ cất đâu, Ngài chỉ ban thêm ơn cho cha, để cha vác thánh giá và bổn phận của mình mà thôi.


2. Khiêm tốn khi làm cha sở.

 

Có người nói với mình rằng, người ít khiêm tốn nhất chính là các linh mục, người không có đức khiêm tốn là cha sở. Họ nói cũng có cái đúng của họ, bởi vì không có lửa thì làm sao có khói ! Tuy lời nói này không hẳn đúng 100% nhưng cũng đáng để cho chúng ta suy nghĩ.


Khi linh mục được bài sai làm cha sở thì đồng thời ngài cũng trở nên một chủ nhân đúng nghĩa: quản lý cả một giáo xứ. Tuy nhiên với cuộc sống của cha, thì linh mục nghĩa phụ của chúng ta yên tâm, giáo dân yên tâm, và chắc chắn Giáo Hội cũng yên tâm vì cha có một nhân đức khiêm tốn trổi vượt hơn người, chính nhân đức khiêm tốn này sẽ giúp ích cho cha khi cha làm cha sở coi sóc một giáo xứ, bởi vì nếu một cha sở không biết khiêm tốn thì ngài sẽ trở thành một chủ nhân ông hưởng thụ, một mục tử khó tính và một người cha không biết thông cảm.


Theo giáo luật, cha sở có toàn quyền trong giáo xứ của mình, do đó mà có những cha sở coi lời nói của mình là Chúa và bắt buộc giáo dân phải nghe, thế là mầm móng chia rẽ bắt đầu. Chính nhân đức khiêm tốn sẽ giúp cho cha giải quyết rất nhiều vấn đề, mà một cha sở nóng nảy kiêu ngạo sẽ không bao giờ làm được, đó là ngài trở nên sợi dây liên kết các tâm hồn giáo dân trong giáo xứ lại với nhau, nên một trong Chúa. Bởi vì giáo dân cần một mục tử khiêm tốn hơn là một mục tử kiêu ngạo; cần một người cha biết thông cảm hơn một người cha năng nổ hoạt động mà không biết cảm thông; cần một linh mục hy sinh thánh thiện, hơn một linh mục thông kim bác cổ mà chỉ biết hưởng thụ...

3. Tinh thần cầu tiến: đọc sách, học hỏi.


Thời nay có nhiều linh mục trẻ mới chịu chức không thèm đọc sách, không thèm học hỏi, bởi vì các ngài cho rằng học lực của mình đầy đủ rồi, làm việc mục vụ thì “dư sức qua cầu” không có gì lo ngại, mà dù có làm sai thì...Chúa cũng thông cảm bỏ qua, lo gì !


Có lẽ với tuổi đời năm mươi lăm, học hành đối với cha chắc hơi mệt, đọc sách thì càng làm biếng hơn vì mõi mắt, nhưng không vì thế mà cha không đọc sách hay không học hỏi thêm, bởi vì sự học thì vô cùng mà cuộc sống thì có hạn. Học được điều gì thì cứ học, học nơi giáo dân, học trong thiên nhiên, học khi làm việc mục vụ, học khi coi truyền hình, hoặc học khi soạn bài giảng.v.v...


Linh mục nghĩa phụ của chúng ta đã nói với mình, khi mình còn giúp xứ cho ngài: “Con phải học, phải chịu khó học tập”, vì ngài là một nhà giáo, nhà mô phạm nên ngài biết rất rõ lợi ích của sự học, và đó cũng là một may mắn khi mình giúp xứ cho ngài.


Thời đại càng tiên tiến thì các linh mục của Giáo Hội cũng phải trang bị cho mình những vốn liếng tri thức căn bản, đừng bao giờ nói mình là cha rồi, sợ gì nữa, không đọc sách cũng biết làm lễ, không cần học hỏi cũng có thể giảng được.v.v...đó chính là những lời ngụy biện che lấp một tâm hồn tự kiêu tự mãn, và rồi sẽ có một ngày cha sẽ lôi lại bài giảng năm trước ra đọc một lèo cho thánh lễ năm nay mà không thêm bớt gì cả.


4. Lòng biết ơn.

Cần phải biết ơn và cám ơn những người đã nâng đỡ mình trong ơn gọi tận hiến, điều này không nói thì cha cũng biết, tuy nhiên kinh nghiệm cho mình thấy được qua các anh em linh mục khác, khi họ làm linh mục rồi thì không còn đối đãi tự nhiên với những người đã giúp đỡ cách này hay cách khác, và thậm chí, có khi buông những lời nói và hành động không mấy tốt đẹp. Cám ơn Thiên Chúa đã đành, nhưng còn phải biết ơn Giáo Hội qua Đức Tổng giám quản giáo phận Bắc Ninh, cám ơn giáo phận Bắc Ninh đã đùm bọc cha trong suốt quảng đường sau này khi thời gian khó khăn xảy đến, cám ơn các linh mục giáo sư, vì các ngài chắc là không mấy hài lòng khi chúng ta học hành, và cám ơn những ai đã nâng đỡ cha trong suốt hành trình của ơn gọi.


Cha cũng như mình phải luôn nhớ rằng, mình là một mầm cây đã già cỗi rồi, một hạt giống đã chai sạn rồi, (cha 55 tuổi làm linh mục, mình 45 tuổi làm linh mục) không một người ươm cây nào lại chọn mình cả, vì họ không hy vọng mầm cây già cỗi sẽ sống, và cũng không hy vọng hạt giống chai sạn sẽ nẩy mầm non tươi tốt.


Nhưng nghĩa phụ (cha bố) của chúng ta đã yêu thương, can đảm đón nhận chúng ta như là một món quà quý báu mà Chúa trao tặng cho ngài, do đó lòng biết ơn này phải đặc biệt, bởi vì nếu ngài không nhận chúng ta làm con để chăm nom từ vật chất đến tinh thần, truyền đạt kinh nghiệm sống và mục vụ cho chúng ta, và những điều tế nhị khác mà Bố đã quan tâm lo lắng, thì chắc chắn chúng ta sẽ không được như ngày hôm nay.


Mình may mắn giúp xứ cho Bố liên tiếp xấp xỉ 13 năm, với thời gian dài này mình học được rất nhiều điều nơi Bố, nhất là về đời sống tu đức và công tác mục vụ, và lòng yêu thương các ơn gọi nơi Bố, và mỗi lần về thăm đều được Bố yêu thương chia sẻ mục vụ với Bố, đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất của mình. Do đó, sau khi nhận được bài sai đi coi xứ, cha nhớ -nếu có dịp- thì về thăm Bố với tất cả tâm tình con thảo, đừng viện cớ bận công việc để rồi không chia sẻ mục vụ với Bố...

Lòng biết ơn này, cha cũng phải trãi dài nơi các anh em linh tông, bởi vì chính các anh em nầy cùng với Bố là một, vẫn luôn nhớ và cầu nguyện cho cha, nâng đỡ cha bằng cách này hay cách khác, mà thực ra, con cái của Bố không nhiều đâu, chỉ có anh linh mục Giuse Đoàn Văn Thịnh (hạt trưởng hạt Chí Hòa, Sài Gòn), anh linh mục Tôma Huỳnh Bữu Dư (cha sở nhà thờ Đức Bà Hòa Bình- người Hoa- Sài Gòn 1), mỗi người một vẻ mà cha có thể học hỏi hoặc sẵn sàng giúp đỡ cha khi cần.


Bố Mẹ của cha đã được Chúa gọi về, nhưng lòng biết ơn của cha đối với song thân cần phải thể hiện mỗi ngày trong thánh lễ, cầu nguyện cho các ngài, bởi vì trên trời, ông bà cố vẫn luôn càu bàu cho cha trên con đường ơn gọi, nếu một lúc nào đó, cha dành thời gian để ôn lại quãng đường ơn gọi này, thì cha sẽ thấy Chúa an bài cách lạ lùng cho cha, qua sự cầu bàu của ông bà cố...


Cha Định thân mến,


Trên đây là bốn điểm chính mà mình muốn chia sẻ với cha nhân ngày cha chịu chức linh mục, ngày ấy lòng cha trang nghiêm nhưng mạnh dạn tiến lên trước mặt Đức Tổng Giám Mục, tuyên thệ sẽ vâng lời ngài và đưa hai tay ra để ngài xức dầu thánh hiến cho cha, để từ này về sau, đôi tay cha sẽ chúc lành cho mọi người, nhất là những người bệnh hoạn, những người bất hạnh, và các con chiên bổn đạo của cha. Rồi tai cha sẽ được nghe những lời chúc tụng chân thành nhất mà mọi người dành cho cha, cha sẽ thấy người ta quý trọng thiên chức linh mục là như thế nào, để rồi cố gắng sống như những lời chúc tụng cao đẹp và quý trọng ấy của giáo dân.


Linh mục chính là Alter Christus (Chúa Ki-tô thứ hai), do đó mà linh mục phải làm những việc mà Chúa Giê-su đã làm, đó là: biết tha thứ cho người có lỗi, biết thông cảm với người oan ức, biết quan tâm đến tha nhân, biết cầu nguyện không ngừng, biết hy sinh chính mình để chiên được sống.v.v...


Xin Đức Mẹ Maria là mẹ của các linh mục luôn gìn giữ và ban ơn cho cha trong ngày trọng đại này và mãi mãi, để cha trở nên một Giê-su thứ hai con của Mẹ.


Nhớ cầu nguyện cho nhau.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Mục lục

                         LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI ?

 

Anh em ứng sinh, ứng viên, linh mục thân mến

 

  1. Nhìn lại hành trình ơn gọi linh mục của mình, tôi nhớ là từ tuổi thiếu niên đã được truyền dạy “linh mục là Alter Christus”. Và sau này lớn lên dần dần mới nhận ra rằng Alter Christus không phải là một địa vị, một thế lực hay một quyền uy, song là một ơn huệ mà Chúa thương ban cho linh mục qua Bí tích Truyền Chức Thánh. Vì ơn Cứu Độ của loài người. Ơn huệ nhưng không đó là ơn trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Linh Mục, nhằm phục vụ cho Tin Mừng và cho sự sống và phẩm giá của mọi người. Và kinh nghiệm trong đời sống và chức vụ linh mục dần dần xác định rõ nét cho tôi lộ trình nên giống Chúa Kitô Linh Mục. Theo lộ trình này, thường ngày linh mục cần làm gì để chăm sóc và vun tưới cho ơn Bí Tích Truyền Chức Thánh sinh hoa kết quả ngày càng dồi dào cho dân Chúa ?

 

 

  1. Trước hết, trong đời sống cầu nguyện hiệp thông với Chúa, thay vì  chỉ làm theo thói quen máy móc, hay chỉ vì bổn phận đòi buộc, linh mục hãy yêu mến Mẹ Maria và sống theo gương Mẹ, năng cùng Mẹ với cả con tim, lắng nghe, chiêm ngắm và kết hiệp với Chúa Kitô là nguồn sống mới cho đời mục tử của linh mục. Nếu được thế, những ai tiếp cận linh mục sẽ dần dần cảm nhận Chúa Kitô đang khiêm tốn hiện diện với họ như nguồn ánh sáng và sức mạnh cho niềm tin yêu và hy vọng của họ.

 

 

  1. Trong đồng hành mở đường và trợ lực cho các cộng  tác viên, các đối tượng phục vụ, thay vì chỉ thụ động phản ứng theo cảm xúc của con người phàm tục, không chủ động tìm hiểu và đáp ứng những nhu cầu thiêng liêng của con người, linh mục hãy luôn ý thức sống với  Chúa Thánh Thần, hãy ý thức theo sự soi dẫn của Người, vì Người là suối nguồn Tình Yêu, là năng lực yêu thương, là Đấng thánh hoá và đổi mới tâm hồn, con tim và đời sống linh mục theo hình dạng của Chúa Kitô. Nếu được thế, những ai tiếp xúc với linh mục sẽ dần dần cảm nhận Chúa Kitô đang hiện diện và đồng hành với họ trên Đường  dẫn họ đến nguồn Chân Lý tròn đầy, tận suối Tình Yêu vô biên, tận mạch Sự Sống viên mãn.

 

 

  1. Trong các hoạt động mục vụ thường ngày, thay vì học đòi sự khôn ngoan của thế gian và chạy theo thói đời, linh mục tập ý thức gắn kết đời mình với Lời Chúa. Lời Chúa trong Sách Thánh cũng như trong cuộc sống của Giáo Hội. Lời đó trước hết thông cho linh mục Sức Sống, Ánh sáng và Bình An của Chúa Kitô. Nếu được thế, lời rao giảng của linh mục sẽ đi đôi với gương sáng, và sẽ mở đường cho nhiều người đi đến sự sống chan hoà ánh sáng chân lý và bình an.

 

  1. Trong đời sống mục tử thường ngày, thay vì chiều theo đam mê xác thịt, hành động theo sự thúc đẩy của lòng tham sân si, linh mục hãy  đem hết tâm trí gắn bó với hy lễ của Chúa Kitô trên bàn thờ cũng như trong đời sống của Giáo Hội. Hy lễ đó đổ vào lòng linh mục tâm tình yêu thương và hiệp nhất, năng lực hy sinh và phục vụ. Nếu được thế, cuộc đời linh mục sẽ toả sáng lòng quảng đại bao dung và thương cảm của Chúa Kitô đối với mọi người, nhất là người đau khổ, tùng quẫn và bất hạnh.

 

  1. Trong quan hệ mục vụ cũng như quan hệ xã hội thường ngày, thay vì buông theo sức hút của danh vọng, quyền lực và lợi lộc, linh mục hãy tâm niệm và khắc hoạ vào tâm hồn và cuộc đời mình hình ảnh Chúa làm người và ở giữa loài người. Chúa đã làm người đồng hoá và gắn bó với con người. Làm người đồng cảm với gia đình. Làm người hy sinh chịu chết vì họ và cho họ. Nếu được thế, linh mục sẽ hiện diện với họ như người môn đệ chân chính  Chúa Kitô yêu thương và phục vụ. Người môn đệ đó là người luôn ý thức và nỗ lực  tác  với Chúa Thánh Thần đang kiến tạo một cộng đồng nhân loại mới, một cộng đồng sống trong sự thật và công bằng, trong sự thánh thiện và hiệp nhất, trong yêu thương và bình an.

 

  1.  Đó là lộ trình sống ơn Bí Tích Truyền Chức Thánh để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Linh Mục, như lòng Chúa mong ước. Lộ trình đó còn được gọi là linh đạo linh mục, là con đường nên thánh của linh mục. Lộ trình đó kéo dài suốt đời người và không những cần ý chí quyết tâm và kiên trì của mỗi người, song còn cần đến lời cầu nguyện và sự hỗ trợ của nhiều người, đặc biệt của các bạn đồng liêu và đồng hành trong hàng linh mục. Đó cũng là ước mơ và là tâm nguyện thường ngày của tôi đối với anh em linh mục là những cộng sự viên thân thiết của Giám mục. Và trong đời sống mục tử thường ngày, tôi cũng cảm thấy cần đến sự đồng hành và lời cầu nguyện của mọi người như vậy.

 

 

Toà TGM Tp.HCM, Ngày 15 tháng 12 năm 2007

 

Gioan B. Phạm Minh Mẫn

Hồng Y Tổng Giám mục

Mục lục


Theo ánh sao chỉ đường

 

Trong đời sống, con người luôn trong vị thế di chuyển, vị thế thể động, đi tìm kiếm.

Khung cảnh ngày lễ Chúa Giêsu giáng sinh cũng nằm trong vị thế đó. Khung cảnh này có nhiều di chuyển và nhiều ánh sáng, nhưng không ồn ào náo nhiệt.

Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse lặn lội dọc đường về quê quán cũ là Bethlehem khai tên vào sổ bộ.

Các Thiên Thần xuất hiện bay lượn lên xuống từ trời cao xuống đất, và lại trở về trời cao.

Các mục đồng vội vã ra đi tìm nơi hài nhi Giêsu vừa hạ sinh trong chuồng súc vật giữa đêm khuya ngoài cánh đồng.

Từ nơi phương trời xa xôi ba nhà Đạo sĩ cũng lên đường di chuyển. ( Mt 2,1-12)

Tất cả đều lên đường âm thầm đi tìm kiếm.

Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse nghe theo chiếu chỉ lệnh truyền của Hoàng Đế trở về quê cũ. Các Thiên Thần xuất hiện lên xuống theo sự chỉ đạo từ trời cao. Các Mục đồng hối hả ra đi trong đêm tối theo lời Thiên Thần nói chỉ dẫn.

Còn Ba nhà Đạo Sĩ, quen gọi là Ba Vua, lên đường đi tìm kiếm theo chỉ thị lệnh truyền hướng dẫn nào?

Ba nhà Đạo sĩ là những nhà thông thái về khoa Thiên văn. Họ là những nhà khoa học chuyên môn cùng có nhiều kinh nghiệm về ngắm sao trời để suy đoán vận mệnh trong trời đất.

Họ đã đạt được, có thể nói, cao điểm của danh vọng được mọi người kính trọng nể vì trong xã hội. Nhưng họ vẫn đi tìm kiếm nữa. Tâm trí họ thôi thúc họ như thế.

Họ tìm kiếm điều mới, khi họ nhìn thấy ngôi sao lạ xuất hiện trên nền trời. Lần này họ không còn ngồi lật sách vở tra cứu xem ý nghĩa dấu chỉ ngôi sao lạ muốn nói gì. Nhưng họ phải lên đường, vượt lối xa xôi, trải qua chông gai hiểm trở, theo ánh sáng ngôi sao chỉ đường dẫn lối đi tìm kiếm.

Ngôi sao lạ đã dẫn họ đến đích: hang chuồng súc vật nơi hài nhi Giêsu, vị Vua tình yêu, đã sinh ra trên trần thế ngoài cánh đồng.

Ba nhà Đạo sĩ thông thái đã từ nơi xa xôi tìm đến hài nhi Giêsu. Các Ông đã từ địa vị cao sang là những nhà khoa học thông thái cúi mình qùy gối trước vị Vua tình yêu từ trời cao đang hiện thân là một em bé sơ sinh trong chuồng súc vật.

Các Ông cảm nhận ra, ơn đức cứu độ, sự bình an không tìm được ở sự thông thái, cùng nơi quyền thế cao sang, nhưng ở nơi Thiên Chúa, Đấng hiện thân làm người giữa trần gian.

Ngôi sao dẫn lối chỉ đường cho các Ông đi tìm kiếm là ngôi sao dẫn soi cho các Ông cùng cho mọi con người tìm đến Đấng là nguồn bình an, nguồn hy vọng.

Sự bình an cùng niềm hy vọng không đặt nền tảng trên sự thông thái giầu sang quyền thế cùng danh vọng. Nhưng trên đời sống khiêm hạ sống làm người, như Vua Giêsu đã sinh ra là một em bé trong hang chuồng súc vật.

Ba Vua đã theo ánh ngôi chỉ đường tìm kiếm được „ Ngôi Sao sáng“ cho đời mình: Giêsu, vị Vua bình an!

Ba Vua đã tìm kiếm được kho tàng cao qúy cho tâm hồn mình theo cung cách sống đơn giản khiêm hạ nơi hài nhi Giêsu.

Lễ Ba Vua 2008

Lm. Nguyễn Ngọc Long

Mục lục

ĐỘI MŨ BẢO HIỂM RA ĐỒNG

Chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) trên tất cả các tuyến đường đã được khai triển hơn hai tuần nay và được đánh giá là thành công ngoài chờ đợi ngay từ ngày đầu tiên. Các phương tiện truyền thông thi nhau ca tụng: nào là ý thức công dân và tinh thần kỷ luật của nhân dân ta là rất cao; nào là chủ trương đã được chính quyền tuyên truyền rất chu đáo và toàn thể cán bộ đã vào cuộc với đầy quyết tâm và nhiệt tình. Có người vội vàng khái quát rằng sự thành công này cho thấy: chính sách nào thực sự phục vụ công ích và hợp với lòng dân thì luôn luôn chắc chắn thành công.

Nhưng cũng không thiếu những tiếng nói không đồng tình. Họ nghi vấn: người dân chấp hành vì tinh thần kỷ luật và ý thức công dân hay vì sợ bị phạt nặng? Quả thực, giữa việc mua một chiếc MBH một trăm hay trên một trăm ngàn đồng (hay dù chỉ dăm bảy chục) và việc phải chịu phạt đến 150.000 đồng mỗi lần vi phạm, người ta không còn chọn lựa nào có lợi hơn là sắm cho mình một chiếc MBH. Tất nhiên nhiều người đội mũ vừa vì lợi ích bản thân để “bảo vệ cái đầu” mình vừa để chấp hành qui định pháp luật, nhưng còn biết bao người đội mũ chỉ để đối phó, chẳng hạn khi họ chỉ đội “hờ” trên đầu, không khoá dây mũ. Và còn những nghi vấn khác …

Tôi ở thành phố, chỉ nhìn thấy tình hình thành phố và nghe, đọc được những nhận định phần nhiều chỉ liên quan tới thực tế tại các thành phố. Tôi vẫn cứ tự hỏi: tình hình và dư luận ở thôn quê thì sao?

Mới đây tôi có việc về gia đình tại một làng quê thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, và tôi đã thấy một thực tế hơi bất ngờ.

Ở đây chính quyền cũng thực hiện chủ trương một cách triệt để với những biện pháp không kém khắt khe trong một thôn làng mà xe ô-tô hầu như chỉ chạy trên con đường nhựa liên thôn liên xã xuyên qua làng. Luật buộc đội MBH áp dụng cho tất cả mọi con đường chạy ngang dọc trong làng, ngay cả những con đường nhỏ hẹp. Nghĩa là hễ ra khỏi nhà, bước lên xe máy là phải có cái “nồi cơm điện” (như nhân dân quen nói) chụp lên đầu. Công an xã cũng hết sức nhiệt tình thổi phạt, có khi đuổi xe vi phạm đến tận trong nhà, và cứ là 150.000 đồng không bớt. Dân nói: “họ rình để thổi phạt!”

Tôi nghe kể một chuyện gần như tiếu lâm: một thanh niên đang cởi trần mặc quần cụt sơn nhà, vì thiếu vật dụng nào đó, anh ta cứ để mình trần như thế mà leo lên xe chạy tới chợ cách nhà mấy trăm mét. Thế là bị công an thổi phạt. Nghe con kể lại, bà mẹ tức điên lên. Bà lẩm bẩm: “Để tao!” Bà ta liền đội cái mũ vải vào, chụp thêm cái MBH lên trên rồi lại buộc cái khăn trùm đầu che kín tất cả, và lên xe máy chạy. Đến gần nơi con mình bị phạt, bà ta không bất ngờ thấy công an thổi còi và dơ tay ra hiệu bắt dừng lại. -“Bác không đội MBH, cháu phải phạt bác. Lúc nãy, thằng X con bác đã bị phạt rồi, nó không nói cho bác biết à?”. –“Cái chi?”, bà ta hỏi. “Phạt cái chi? Cứ coi cho kỹ trên đầu tao có mấy thứ bảo vệ?” Nói rồi, bà ta mở cái khăn trùm bên ngoài ra cho anh công an coi. Anh ta hơi bất ngờ và tỏ ra bối rối: “Thôi, bác đi đi!” –“Tao nỏ (chẳng) cần đi mô cả”, bà ta vừa nói vừa quay xe lại và hả hê chạy thẳng về nhà…

Trong nhà cháu út tôi chỉ có hai vợ chồng và hai con nhỏ, đứa học lớp ba, đứa học lớp mầm nhưng cũng phải có ba chiếc MBH, tính ra hết 300.000 đồng. Mấy đứa cháu khác đông con hơn, phải sắm nhiều mũ hơn. Tình hình này là rất bình thường ở đây, lúc này. Hôm tôi phải về lại thành phố, thằng cháu tôi định lấy xe máy chở tôi ra ngoài đường liên xã đón xe ô-tô như mọi khi, nhưng tôi bảo nó xách đồ và cùng đi bộ với tôi, đoạn đường thật ra cũng không xa. Gia đình một cháu khác có nhà ở đầu làng; nó giải thích với tôi rằng từ ngày bắt đội MBH, vợ chồng và con cái chúng nó ít về chơi nhà bà nội vào buổi tối như thói quen “vì thấy nón tơi bất tiện quá!”. Nó nói: “Bây giờ phải đội MBH không những khi muốn đi tới nhà nhau trong làng bằng xe máy mà cả khi đi làm ngoài đồng, ngoài rẫy nữa!” Và lúc đó, phải “cặp kè” thêm cái nón lá hay cái mũ vải!

Nói chung, dân chúng tại đây không phàn nàn về chính chủ trương nhưng họ cảm thấy cách thực hiện chủ trương quá máy móc. Họ cũng tự hỏi do đâu chính quyền cương quyết, gay gắt và nhiệt tình đến thế? Nếu như cán bộ cũng tận tâm và quyết liệt bằng phần nửa như thế trong nhiều chủ trương khác, như cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, giảm bớt các loại tiền đóng góp, hoặc chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí chẳng hạn, thì nhân dân được nhờ biết mấy! Người dân cũng kháo láo với nhau: thật khó mà tin rằng cán bộ công chức các cấp hoàn toàn không được lợi lộc nào cả, mà chỉ vì tinh thần phục vụ mà dấn thân hết mình!

Tôi vẫn là người đội MBH nghiêm túc từ rất nhiều năm nay, và hoàn toàn ủng hộ chủ trương đội MBH bắt buộc. Nhưng sau những gì đã mắt thấy tai nghe ở thôn làng tôi, tôi càng tin rằng cách thực hiện nhất loạt như nhau ở đô thị và ở thôn quê là máy móc, không sát thực tế, chỉ dễ dàng cho chính quyền còn người dân, nhất là ở nông thôn thì chịu bao nhiêu là khó khăn thiệt thòi. Ở những làng xã khác thì tôi không biết, nhưng ở làng xã tôi, người dân không hề được thuyết phục, họ chỉ chịu đựng một chủ trương vì không còn cách nào khác.

Tôi viết bài này để phản ánh một thực tế mình vừa nghiệm qua.

Lm. Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

(2/1/2008

Mục lục

TÀI LIỆU THƯỜNG HUẤN LINH MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT 2007

 

SỰ LIÊN HỆ

CỦA NGƯỜI CHURU VỚI NGƯỜI CHĂM

Nhập đề :  

Xét về mặt ngôn ngữ và hình thể, người Churu có nhiều liên hệ vói người Indonesia, Philipphine, Malaisia… vùng Đông nam Châu Á, người Raglai, Êđê, Jarai… vùng Cao nguyên Trung phần Việt Nam.

Nhưng gần gũi hơn cả, sâu đậm hơn cả, là sự liên hệ của người Churu với người Chăm.

Sự liên hệ này được nhìn thấy qua những điểm sau :

      1. Những giả thuyết về nguồn gốc của người Churu

      2. Ngôn ngữ

      3. Niềm tin

      4. Phong tục tập quán

      5. Hát Aria – Tục ngữ – Truyện cổ dân gian

      6. Trang phục

      7. Những liên hệ khác

I. NHỮNG GIẢ THUYẾT

     VỀ NGUỒN GỐC CỦA NGƯỜI CHURU :

Ngay từ những giả thuyết về nguồn gốc của người Churu, ta đã thấy có những liên hệ giữa người Churu với người Chăm.

1. Giả thuyết "Căm bruh" :

Theo các "già làng" Churu [1][1] : Tên gọi Churu bắt nguồn từ chữ "Căm bruh" của tiếng Chăm. Căm : người Chăm – bruh : đi trốn. Căm bruh : người Chăm đi trốn. Người Churu là người Chăm đi trốn.

Ngày nay Anh em Churu còn hát một bài hát theo ý nghĩa này, với chữ "Chăm bruh" được lặp đi lặp lại như một điệp khúc, vừa hát, vừa múa, vừa thổi "rơkel", vừa đánh trống "pơnơng", một loại trống của người Chăm.

2. Giả thuyết "xâm đất" :

Trước đây người Churu vốn là một nhóm con cháu thân thuộc của người Chăm, đã từng sinh sống ở vùng duyên hải Trung Bộ nước ta hiện nay. Nhưng khi các vua chúa Chăm gây chiến tranh với người Khơme và người Việt, để phục vụ cho các cuộc chiến tranh liên miên đó, tầng lớp quý tộc Chăm đã tiến hành bóc lột những người nông dân lao động đồng tộc của mình hết sức thậm tệ. Chúng buộc họ phải vào rừng sâu tìm ngà voi, sừng tê giác và các lâm sản quý nộp cho chúng, hoặc bắt họ xuống sông đãi cát tìm vàng… Lại thêm nạn bắt phu, bắt lính liên miên làm cho đời sống của người nông dân lao động Chăm hết sức cực khổ. Để tránh được sự áp bức bóc lột nặng nề đó, một số người Chăm buộc lòng phải rời bỏ quê hương để tìm nơi đất mới. Chính những người di dân đầu tiên đó đã tự đặt cho mình tên gọi Churu như ngày nay. [2][2] Họ là những người đã mang theo nghề làm ruộng nước và nghề làm đồ gốm của người Chăm. Vì thế tại những địa bàn cư trú chính của người Churu hiện nay thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng vẫn còn lưu tồn nhiều địa danh chứng tỏ điều đó. Ví dụ, như những làng cổ truyền của nguời Churu : Krangọ, Krangchớ, B'Kăn... là những làng Churu biết làm ruộng và làm đồ gốm... [3][3]

3. Giả thuyết "Cha Moussay" :

Linh mục Gerard Moussay là người Pháp, thuộc Tu Hội Thừa Sai Paris, đã ở nhiều năm với người Chăm, có nhiều tìm hiểu nghiên cứu về người Chăm, cách riêng về ngôn ngữ Chăm, với cuốn tự điển Dictionnaire Căm-Vietnamien-Francais.

Cha Moussay cho rằng : Người Churu là giới hoàng tộc của người Chăm và những ngươì Chăm hầu hạ giới hoàng tộc, chạy lên vùng cao nguyên.

Cũng theo Cha Moussay : Người Chăm còn lại vùng Phan Rang ngày nay, là những người dân ở lại tại chỗ, không có điều kiện bỏ đi, cũng như không đến nỗi phải sợ bị bắt bớ giết chóc như giới hoàng tộc. Họ ở lại cấy lúa nước để sống, và trồng bông dệt vải để mặc.

Và người Raglai là người Chăm trốn lên rừng. "Ra" bởi chữ "aràng" có nghĩa là : người, "glai" có nghĩa là : rừng. "Raglai" có nghĩa là : người rừng, người trốn lên rừng

4. Giả thuyết "Cha Quang" :

Người Churu là những dân thường người Chăm đi theo lên vùng Dran (Đơn Dương) để hầu hạ vua quan người Chăm. Sau một thời gian dài, khi vua quan người Chăm không còn nữa, những người này nói một thứ ngôn ngữ, phát xuất từ tiếng Chăm, nhưng không phải là tiếng Chăm chính gốc. Đó là tiếng Churu và họ được gọi là người Churu.

5. Giả thuyết "Cha Trọng" :

Người Churu là những người Koho bị bắt hoặc tình nguyện làm nô lệ, hầu hạ cho vua quan người Chăm, khi vua quan người Chăm đến vùng Đơn Dương. Vì phải ở với vua quan người Chăm nên những người Koho này phải nói tiếng Chăm nhiều hơn. Sau một thời gian dài, khi vua quan người Chăm không còn nữa, họ nói một thứ ngôn ngữ mới, phát xuất từ tiếng Chăm có pha lộn nhiều tiếng Koho. Đó là tiếng Churu và được gọi là người Churu.

6. Giả thuyết Pô Dharma :

Pô Dharma là người Pháp gốc Chăm, học trò của Cha Moussay. Tiến sĩ Sử học về người Chăm. Giáo sư Sử học Đại học Sorbonene.

Theo Pô Dharma : Người Churu là người Chămpa. Vì không có người Churu , người Raglai, người Êđê, người Giarai, người Chăm. Chỉ có người Chămpa.

7. Ngoài những giả thuyết trên, tác giả Marcel Ner trong cuốn "Au pays du droit maternel" đã viết : "Chính những người Churu đã phân biệt có ba nhóm Churu : Nhóm Churu – Raglai. Nhóm Churu – Chăm. Nhóm Churu – Koho, nói tiếng Koho".[4][4]

Kết luận : Những giả thuyết về nguồn gốc của người Churu có những chi tiết khác nhau, nhưng có một điểm chung : Nguời Churu có một sự liên hệ rất gần gũi với người Chăm. Hầu hết các giả thuyết, sự liên hệ này bao gồm sự liên hệ về huyết thống.

II. NGÔN NGỮ :

Với những giả thuyết trên, cùng với thực tế cho thấy rằng : trong ngôn ngữ hàng ngày của người Churu có nhiều từ gần giống với tiếng Chăm và có nhiều từ giống hoàn toàn với tiếng Chăm. Chúng ta có cơ sở để đồng ý với một số tác giả, tiêu biểu là tác giả Maspéro (một tác giả có nhiều nghiên cứu về các dân tộc Việt Nam), khi xếp tiếng Churu vào hệ ngôn ngữ Malayo – Pôlinêsiên (Mã Lai – Đa Đảo) cùng với người Chăm. [5][5]

Khi đối chiếu tiếng Churu với tiếng Chăm trong cuốn Dictionnaire Căm – Vietnamien – Francais của Linh mục Gerard Moussay chúng ta lại càng thấy rõ hơn nữa :

1. Những từ Churu gần giống tiếng Chăm

     Churu                         Chăm                        Pháp

     Apăn                           păn                            tenir (cầm)

     bơng                           băng                          manger (ăn)

     buh                             bôh                            voir (thấy)

     glòng                           klong                         haut (cao)

     glòng akhăr                 klong akhăr                lettré (có học thức)

     go                               ko                              marmite (nồi)

     bràh                            prah                           riz (gạo)

     …

2. Những từ Churu giống hoàn toàn tiếng Chăm

     Churu                     Chăm                      Pháp

     ako                          ako                           tête (đầu)

     akhăr                      akhăr                       lettre (chữ)

     ala                           ala                            serpent (con rắn)

     alăh                         alăh                          paresseux (lười)

     alăk                         alăk                          alcool (rượu)

     bă                           bă                            salé (mặn)

     bù                           bu'                           cheveux (tóc)

     halêi                        haley                        comment (thế nào)

     halun                      halun                       serviteur (nô lệ)

     …

Vì tiếng Churu có những từ gần giống tiếng Chăm cũng như hoàn toàn giống tiếng Chăm, nên một người Churu có thể nói chuyện được với một người Chăm. Ban đầu có
hơi khó, nhưng sau một lúc nghe quen, có thể nói chuyện dễ dàng.

III. NIỀM TIN :

Cũng như các dân tộc thiểu số khác. Người Churu có niềm tin riêng của mình. Thế nhưng, niềm tin của người Churu, như là niềm tin của một dân tộc lớn, với một văn hoá lớn, hơn là niềm tin của một dân tộc thiểu số.

Dựa theo sự bày tỏ niềm tin của một số "già làng" Churu, cho thấy rằng : người Churu có một niềm tin khá phong phú. Họ có niềm tin : về thế giới, về Đấng Tạo Hoá, về con người, về số phận con người sau khi chết... và niềm tin này đã được hình thành từ thời xa xưa, có lẽ từ thời người Chăm đến ở vùng đất của người Churu ngày nay. Niềm tin này được truyền lại do Cụ Hàn Đăng, "ông Vua Churu", một người Churu mang họ Chăm và có vợ là người Chăm.

Đáng ngạc nhiên hơn cả, niềm tin của người Churu ngày xưa rất gần gũi với niềm tin Kitô giáo. Hay nói theo ngôn ngữ Công Đồng Vaticanô II : Trong niềm tin của người Churu ngày xưa đã có Semina Verbi : Hạt giống Lời Chúa mà chúng ta cần sung sướng, kính cẩn tìm hiểu [6][6] có sẵn những gì mà Chúa Thánh Thần đã gieo vãi nơi Anh em Churu để chuẩn bị họ đón nhận Tin Mừng. [7][7]

Từ xa xưa người Churu tin : Thế giới này có "pà tăl" (4 tầng).

Tầng 1 : "Lơngì" (trời) có "Pô sapơjiơng". "Pô sapơjiơng" tạo dựng nên tất cả mọi loài : Con người, con trâu, con gà, con nai, con cọp , cây lúa,cây bắp, rừng, núi, sông, suối...

"Pô sapơlai" không biết từ đâu đến, luôn tìm cách phá hoại những gì "Pô sapơjiơng" làm. "Pô sapơjiơng" tức giận đạp "Pô sapơlai" xuống trần gian. Thịt xương của "Pô sapơlai" thành ra những thứ xấu xa ở trần gian : cọp, đỉa, rắn, rết, "jin ràk" (ma quỷ)... làm hại con người.

Niềm tin "Pô sapơjơng" của người Churu phù hợp với quan điểm của Cha Đaminh Trọng : "Anh em Dân tộc (Koho và Churu) không phải đa thần, nhưng là độc thần".

Cũng thế, tác giả Nguyễn Văn Diệu và Phan Ngọc Chiến trong bài viết "Người Koho" của sách "Vấn đề Dân Tộc ở Lâm Đồng" do Mạc Đường chủ biên, trang 264 đã
viết : "Người Koho tin có nhiều thần, nhưng vẫn tin có một vị thần tối cao, chúa tể các vị thần khác. Đó là "Nđu" vị thần khai sáng vũ trụ và là vị thần bảo hộ tối cao của con người. Phần đông người Koho có ý niệm mờ nhạt về vị thần tối cao này. Thế nên trong việc thờ cúng, thường chỉ cúng các vị thần ở cấp thấp như : thần sông, thần núi, thần ruộng... ít cúng vị thần tối cao này."

Tầng 2 : "Tơnahria" (đất) có con người và các loài do "Pô sapơjiơng" tạo dựng nên. Lúc đầu tất cả mọi loài do "Pô sapơjiơng" tạo dựng đều tốt. Thế nhưng những gì bị "Pô sapơlai" phá hoại, thì trở nên xấu. Muốn khỏi bị phá hoại, muốn có điều tốt lành phải cúng vái với các thần : Thần núi, thần sông, thần rừng, thần ruộng, thần lúa... bằng con trâu, con dê, con heo, con gà...

Tầng 3 : "Lơgăr atơu" là nơi ở của con người sau khi chết (gần giống như "sheol" của người Do Thái). Có đủ mọi nhu cầu như người sống : ăn uống, quần áo, nhà cửa...

Tầng 4 : "Rơlồng ala" là nơi ở của những người xấu sau khi chết.

Người Churu tin con người có "bơngă" (hồn) và có "rùp, rùp phàp" (xác). Khi "bơngă" bay ra khỏi "rùp" thì con người chết. Khi con người chết thì trở thành "phùt phòng" (ma)

Sau khi chết, ai sống tốt sẽ được vào "lơgăr atơu" được gặp "Pô sapơjiơng". Ai sống không tốt, sau khi chết sẽ phải vào "rơlồng ala" gặp "Pô saplai" ở với "jin ràk" (ma quỷ) nóng nực, khổ sở đời đời.

IV. PHONG TỤC TẬP QUÁN :

Phong tục tập quán của người Churu mang nhiều dấu ấn của người Chăm. Nhưng rõ nét hơn cả qua : việc cúng vái, ông thày cúng, cách thức cúng vái.

1. Cúng vái :

Một trong những tập quán quan trọng của người Churu là cúng vái. Việc cúng vái được thực hiện trong hầu hết những sinh hoạt của người Churu, từ sinh cho đến tử : sinh con, đau ốm, cưới hỏi, dựng nhà, làm ruộng, ma chay...

Từ đâu, người Churu có thói quen cúng vái ? Câu chuyện dân gian "Người Churu ăn cắp cây nêu của người Chăm" mà những người già Churu kể lại, trả lời phần nào cho câu hỏi này :

Người Churu khi xuống Phan Rí đổi mắm muối, thấy người Chăm : Đêm hôm trước giết heo, giết dê ăn uống nhảy múa vui vẻ. Ngày hôm sau giết trâu, nấu nướng, bày ra mâm cúng vái, lại ăn uống no say, trai gái đàn ông đàn bà nhảy múa vui vẻ ! sau đó đem cây nêu ra ruộng cắm, rồi trở về nhà lại tiếp tục ăn uống nhảy múa vui vẻ !

Thấy cây nêu đẹp, thấy ăn uống nhảy múa vui vẻ. Người Churu bèn ăn cắp cây nêu đem về vùng Churu. Từ đó người Churu làm cây nêu, giết trâu... cúng vái, ăn uống no say vui vẻ ! Thấy hay hay, nhà này bắt chước nhà kia, và cứ thế trở thành tục lệ cúng vái của người Churu.

Theo một số người già Churu nói tếu : Người Churu khờ quá, bắt chước người Chăm cúng vái mất công, tốn của ! Giá cứ như trước, không cúng vái, đâu có vất vả tốn kém như vậy !

2. Thày cúng :

Nói đến việc cúng vái của người Churu, không thể không nói đến ông thày cúng Churu, và khi nói đến ông thày cúng Churu, không thể không nói đến ông thày cúng Chăm. Có thể nói được rằng : Ông thày cúng Chăm là "sư phụ" của ông thày cúng Churu.

Không như cái nhìn ngày nay cho rằng : Ông thày cúng là phù thuỷ, là ma quỷ... vì chính các ông "thày cúng dzổm" đã tạo cho người ta cái nhìn không cảm tình đó ! Ngày xưa vai trò ông thày cúng rất quan trọng và rất đáng trân trọng trong xã hội người Churu. Thày cúng là người thay mặt dân để tiếp xúc với các thần, để cầu xin những điều tốt lành cho dân, để làm trung gian giữa thế giới người sống và thế giới người chết.

Thời xa xưa, trong vùng của người Churu sinh sống, có "bơmùng" của người Chăm. "Bơmùng" là nơi cúng vái của người Chăm. Trong "bơmùng" có ông "bơsềh" (thày cúng chính) và ông "bơcar" (thày cúng phụ) để cúng vái các vua Chăm ; cũng như cúng vái cầu xin những điều tốt lành cho dân. Trong "bơmùng""klong" đựng hài cốt của vua Chăm, có kho tàng của vua Chăm : quần áo của vua, hoàng hậu, súng ống, cung kiếm, ngà voi... [8][8]

Sau này người Chăm giao "bơmùng" lại cho người Churu chăm sóc giữ gìn. Hàng tháng phải có 04 người Churu thay phiên nhau đến ở "bơmùng" trông coi, quét dọn. Mỗi "bơmùng" có ông "cơmlêi" (thày cúng chính) và ông "pơlă" (thày cúng phụ) thường xuyên lo việc cúng vái, theo cách cúng vái của người Chăm

Bắt chước người Chăm, trong các làng của người Churu cũng có "bơmùng" để cúng vái; có ông "bơsềh", ông "bơyơu" , ông "gơnuar yàng" :

·        ·        Ông "bơsềh" : chuyên cúng cho người chết, theo cách cúng của người Chăm, để đưa "bơnga" (linh hồn) người chết về "lơgăr atơu", về với ông bà tổ tiên, có cơm ăn, áo mặc, nhà ở... (vì thế cạnh mộ của người Churu thường có những vật dụng : Choé, gùi, cốc, chén... tất cả đều bị làm hư để khỏi bị lấy cắp) Nếu không có ông "bơsềh" cúng thì "bơngă" không biết đi đâu, bơ vơ thất thểu... [9][9]

·        ·        Ông "bơyơu" (thày cúng chính) và ông "gơnuar yàng" (thày cúng phụ) : không cúng cho người chết, nhưng chuyên cúng những việc khác : cúng thần ruộng, thần nhà, cúng đau ốm, cúng làm ăn...

·        ·        Thế nhưng cũng có những ông thày cúng đóng cả hai vai vừa "bơsềh" vừa "bơyơu". Vừa cúng cho người chết vừa cúng đủ thứ. Vừa tiện vừa "lợi nhuận cao"… !

3. Cách thức cúng vái :

Khi cúng, người ta giết một con vật. Nếu có cây nêu người ta lấy máu bôi vào cây nêu, để làm bằng chứng có lễ vật . Sau đó nấu nướng bày ra trên mâm gỗ và cúng. Thày cúng ngồi dưới đất, đầu đội khăn trắng của người Chăm, một tay giật dây chuông của người Chăm (dây nhiều chuông nhỏ bằng đồng như dây lục lặc) để gọi hồn, gọi thần về. Miệng đọc những câu thần chú bằng tiếng Chăm, nói chuyện với hồn với thần. Tay kia cầm "cây phép" (thường làm bằng rễ cây tre) để đánh đuổi ma quỷ, đánh đuổi bệnh tật. Cúng xong mọi người ăn đồ cúng vui vẻ.

V. HÁT ARIA, TỤC NGỮ, TRUYỆN CỔ DÂN GIAN :

Không chỉ trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, niềm tin, phong tục tập quán. Trong những bài hát Aria, những câu tục ngữ, những truyện cổ của người Churu cũng mang đậm dấu ấn của người Chăm.

A. Hát Aria (adoh Aria) :

Hát Aria là một giai điệu dân ca của người Churu. Aria có nghĩa là : phổ thông, quần chúng, dân gian.

Theo các "già làng" : Lối hát Aria của người Churu là một lối hát của người Chăm. Vì thế, cách hát và những câu hát trong bài, ảnh hưởng người Chăm rất nhiều.

1. Cách hát :

Dựa theo âm nhạc Tây phương, ta có thể nói rằng : Lối hát Aria của người Churu là một lối hát ngẫu hứng, tùy theo "bụng" người hát. Nhưng dựa trên 4 nốt chính :

- Nốt thứ nhất là nốt cơ bản

- Nốt thứ hai cách nốt cơ bản quãng hai trưởng đi lên

- Nốt thứ ba cách nốt cơ bản quãng bốn thứ đi lên

- Nốt thứ tư cách nốt cơ bản quãng bốn thứ đi xuống.

- Thường nốt cơ bản được sử dụng nhiều nhất

 Như vậy :

- Nếu lấy nốt MI làm nốt cơ bản

- Nốt thứ hai là FA thăng

- Nốt thứ ba là LA

- Nốt thứ tư nốt SI.

- Thường nốt MI được sử dụng nhiều nhất.

Khi hát : mỗi chữ tương đương với một nốt đen ; thường ngắt ở cuối chữ, cuối câu; thỉnh thoảng thêm chữ "ơ" cuối câu, để ngân nga, nhưng cuối chữ "ơ" cũng ngắt...

Những bài hát Aria thường được kết thúc một cách nhẹ nhàng, cứ như chưa muốn kết thúc, cứ lơ lửng, hay hay !

2. Câu hát :

Những câu hát trong bài hát Aria là những câu tục ngữ (pơnuăi pơđik), có cùng một chủ đề : Anh em sống yêu thương, hiệp nhất với nhau. Con cái hiếu thảo kính trọng cha mẹ... Những câu hát trong bài hát Aria, cũng có thể là một câu truyện dân gian.

Những câu hát này "quyện" lại với nhau một cách nhịp nhàng, bởi những câu hát được lập lại, nhưng thay đổi chút ít : cũ mà mới, mới mà cũ như cách triển khai dòng nhạc của âm nhạc Tây phương. Hoặc về hình thức (thay đổi từ) hoặc về nội dung (thay đổi ý tưởng)

Những bài hát Aria thường được những người già Churu hát trong những bữa tiệc : đám cưới, đám tang, cúng vái... (thường phải có vài tô rượu, mới có cảm hứng để hát) để dạy con cháu những điều tốt lành, hay để kể một câu truyện.

3. Hai loại hát "Aria" :

a. Bài hát "Aria" dạy dỗ con cháu :

 Bài hát "Aria" dưới đây, có chủ đề : Anh em sống chung với nhau. Người già Churu hát bài hát "Aria" này, để dạy con cháu : sống yêu thương hiệp nhất với nhau.

1. Adêi sơng sơ-ai bơyiai sa lơtă

    Em và anh suy nghĩ một hướng

2. Akàn juôi mă, ia juôi sơkơl.

    Cá đừng bắt, nước khỏi đục

    (đừng ham lợi lộc mất tình anh em)

3. Adêi sơng sơ-ai bơyiai sa h’tiàn

    Em và anh suy nghĩ một bụng

4. Nau tơ jơlàn, juôi juă rơ-ia

    Đi trên đường, chớ đạp cành khô

    (trong cuộc sống, chớ làm thiệt hại đến anh em)

5. Bù sa kơtun le, ba

    Một sợi tóc rơi xuống, hãy nhặt

    (anh em có gì sai trái, hãy giúp nhau sửa sai)

6. Nau rim athua, sì jiơng kơjàng,

    Đi khắp nơi, khâu cho đẹp

    (đi đâu, cũng hãy đoàn kết yêu thương nhau)

7. Bù sa kơtun le, brêi,

    Một sợi tóc rơi xuống, hãy cho

    (anh em có gì sai trái, hãy tha thứ)

8. Nau rim pơlêi, sì jiơng kơjàng.

    Đi khắp làng, khâu cho đẹp

    (đi đâu, cũng hãy đoàn kết yêu thương nhau)

9. Klà aràng, rơnăm gơu drêi,

    Bỏ người ta, thương anh em mình

10. Aràng sêi brơlêi, gơu drêi akhàn.

    Ai chê cười, anh em mình sẽ nói lại

11. Kla gơu drêi, rơnăm aràng,

    Bỏ anh em mình, thương người ta

12. Tơbiă mưng sàng, aràng klau brơlêi.

    Ra khỏi nhà, người ta cười chê.

Trong bài hát Aria này : câu 1 quyện với câu 3. Câu 2 quyện với câu 4. Câu 5 quyện với câu 7. Câu 6 quyện với câu 8. Câu 9 quyện với câu 11. Câu 10 quyện với
câu 12.

b. Bài hát "Aria" kể truyện :

Người Churu có bài hát "Aria", kể truyện trai gái "pơnuăi đăm dra” bồ bịch, hẹn hò nhau tếu tếu như sau :

Nàng hẹn chàng đến ban tối, chẳng may nhà nàng nuôi nhiều chó. Chàng đến chó sủa. Tức quá chàng chửi chó : tao đã không đến nếu chủ mày đã không hẹn. Nghe chửi chó, từ trong nhà nàng nhắc chàng : hãy đi im lặng như cột nhà, như cây đa vì nhà nuôi nhiều chó.

Câu 1 : Chó vừa sủa vừa đuổi chàng

            Hơk hơk asơu wàng ke,

            (tiếng chó sủa) chó đuổi cắn

Câu 2 : Chàng mắng chó

            bu kơu je soh pô hư pơgon

            tao đã không đến nếu chủ mày đã không hẹn

Câu 3 : Chó tiếp tục sủa và đuổi

            Hơk hơk asơu wàng groh

            (tiếng chó sủa) chó đuổi sủa

Câu 4 : Chàng tiếp tục mắng chó

            bu kơu m'rai soh pô hư pơgon

            tao đã không đến nếu chủ mày đã không hẹn

Câu 5 : Từ trong nhà vọng ra tiếng nàng mắng yêu chàng

            Nau be sòr sơng gơng,

            hãy đi yên lặng như cột nhà,

Câu 6 : nau pơkơđơng thàng lô asơu,

            đi yên lặng nhà nhiều chó

Câu 7 : Nau be sòr sơng gih,

            Hãy đi yên lặng như cây đa,

Câu 8 : nau pơ-alih thàng lô asơu

            đi cẩn thận nhà nhiều chó

Trong bài hát này : câu 1 quyện với câu 3. Câu 2 quyện với câu 4. Câu 5 quyện với câu 7. Câu 6 quyện với câu 8.

c. Kết luận : Với cách hát và với cấu trúc của hai bài hát Aria trên. Những câu hát như "quyện lại" với nhau một cách rất nhịp nhàng về từ cũng như về ý. Cho thấy hai bài hát này ở một "tầm cỡ cao". Một tầm cỡ chỉ có thể phát xuất từ một dân tộc có nền văn hoá cao : Dân tộc Chăm

B. Tục ngữ (pơnuăi pơđik) :

Những câu tục ngữ của người Churu đa phần là những câu tục ngữ của người Chăm, được người Churu lấy lại và "Churu hoá". Vì thế, những câu tục ngữ của người Churu, có những dấu vết của người Chăm qua ý tưởng cũng như qua những chữ được dùng. Chẳng hạn hai câu tục ngữ sau :

 1. Tục ngữ 1 :

 Ngoài ý tưởng ra, những chữ được dùng trong câu tục ngữ này, cho thấy rõ "gốc gác" Chăm. Những chữ đậm là những chữ của người Chăm; những chữ còn lại, hầu hết có gốc từ tiếng Chăm

        Pơtu pơje. Ia blàn pơtài

        Ngôi sao đến gần. Mặt trăng tránh xa

        Pơtu ngă sơkrài. Bơngư harum

        Ngôi sao làm điều xấu. Như hoa rau dền

Nghĩa bóng : Đàn ông đến gần. Đàn bà tránh xa. Đàn ông làm điều xấu. Sẽ "đổ nợ" nhiều như hoa rau dền ! [10][10]

Thường người già dùng câu tục ngữ này để dạy con cái mình, nhắc nhở đàn ông đã có vợ, đàn bà đã có chồng, đừng "léng phéng" với nhau.

Theo phong tục người Churu : một người đã có chồng có vợ mà bồ bịch với một người khác cũng đã có vợ có chồng. Nếu sự việc bại lộ, người đó sẽ bị dòng họ hai bên bắt bồi thường : cho chồng hay vợ của mình, cũng như cho chồng hay vợ của tình nhân, là những người đã bị thiệt hại về tình cảm, danh dự... Thế nên rơi vào trường hợp này rất là tốn kém ! phải bồi thường nhiều phía, tốn rất nhiều trâu, có khi đến vài chục con trâu. Do đó phải bán nhà cửa, đất đai để trả nợ, thành ra sạt nghiệp ! Đây là một sự răn đe của người Churu, giúp cho vợ chồng người Churu, chỉ một vợ một chồng, không dám léng phéng, lung tung...

2. Tục ngữ 2 (ý tưởng gần giống câu 1) :

        Sơdiu aràng pleh sa tơpa

        Vợ người ta tránh một sải tay

        Dăm dra pleh sa hăn.

        Trai gái tránh một cẳng tay

        (từ cùi chỏ đến đầu ngón tay)

Nghĩa bóng : Thanh niên thanh nữ gần nhau không đến nỗi. Nhưng gặp vợ người ta phải tránh thật xa.

C. Truyện cổ dân gian :

Người Churu có nhiều truyện cổ dân gian hay, sâu sắc, dí dỏm…, và trong những câu truyện cổ này thường có sự hiện diện của người Chăm. Điều này cho thấy rõ hơn : ngay từ xa xưa, người Churu đã có những liên hệ với người Chăm. Chẳng hạn câu truyện : "Chàng Churu và vua Chăm"

Khi xưa, có một anh chàng người Churu đến xin ở chăn trâu cho vua Chăm. Ngày nào cũng thế, anh làm việc rất chăm chỉ lại hiền lành. Thấy chàng trai siêng
năng chịu khó, cô công chúa Út của vua Chăm đem lòng yêu thương.

Ngày nào cũng vậy, cô đều lẻn ra đồng chăn trâu với chàng Churu, trong khi đó bao nhiêu người trai trẻ, tài giỏi khắp nơi đến cầu hôn đều bị từ chối. Chàng Churu và nàng công chúa Út chơi đùa với nhau như một cặp chim xanh. Họ hết trèo me hái trái lại rủ nhau xuống suối mò cua bắt cá. Tối đến, cô lẻn xuống với chàng Churu. Ngày qua tháng lại, họ càng gắn bó và yêu thương nhau hơn.

Một hôm, vua Chăm biết chuyện liền nổi giận đùng đùng, ông cho người gọi con gái và chàng Churu đến hỏi tội. Trước mặt vua cha, cô công chúa Út không hề sợ hãi và thú nhận với cha tất cả. Thấy con khờ dại từ chối lời cầu hôn của các bậc công tử con của quan lại quý tộc để lấy chàng Churu dân thường, nay lại còn ngoan cố và cả gan thú tội, vua cha giận dữ tột bậc. Ông sai người cậu của nàng Út đưa cả hai vào rừng giết rồi mang tim, gan về cho ông. Vâng lời anh rể, người cậu đưa hai cháu vào rừng sâu. Dọc đường, chàng Churu và nàng công chúa vẫn như hai đứa trẻ hồn nhiên đùa nghịch với nhau mà không hề tỏ ý sợ chết. Thấy sự hồn nhiên trong sáng của hai người, ông cậu không nỡ giết chết họ, ông bèn giết một cặp thú hoang rồi đem tim, gan về cho vua Chăm.

Trong rừng, chàng Churu bắt đầu chặt cây dựng lều và phát hoang làm rẫy. Nhưng hàng ngày phát được bao nhiêu đám, thì qua hôm sau cây cối đều mọc lại như cũ. Một hôm, thấy chàng hiền lành chăm chỉ Vua khỉ mang tặng chàng chiêng thần ước gì được nấy. Dù có được chiêng thần, nhưng chàng Churu vẫn không hề nghĩ đến việc trả thù vua Chăm. Chàng chỉ có hai điều ước : thứ nhất là phát được rẫy, trồng được lúa để có cái ăn và thứ hai là có được nhà để ở. Thế là chiêng thần liền làm toại nguyện chàng Churu, thậm chí hai vợ chồng còn được ở trong một ngôi nhà lớn tận trên đầu nguồn nước, có gia súc đầy đàn, tôi tớ hầu hạ, cùng vô số đồ đạc sang trọng trong nhà. Từ đó, hai vợ chồng chàng Churu sống bên nhau hạnh phúc.

Một hôm, quân lính của vua Chăm biết được chàng Churu và công chúa còn sống sót và rất giàu có đang ở tận nơi rừng sâu. Nhà vua hay tin bèn sai người đến ngôi nhà lớn trong rừng sâu tìm cách hãm hại họ. Khi biết quân lính vua kéo đến, chàng Churu liền ra tiếp họ, anh nói : Chính tôi là chàng Churu chủ ngôi nhà này. Tôi xin mời mọi người vào nhà nghỉ ngơi và ăn uống.

Chàng sai tôi tớ giết trâu bò làm tiệc thiết đãi quân lính rất linh đình. Ăn uống xong, chàng tặng mỗi người nhiều trâu bò mang về. Chàng còn gởi biếu vua Chăm một bầu nước thật trong thật sạch, như để chuộc lỗi : bấy lâu nay chàng ở đầu nguồn nước bên trên đã làm bẩn nguồn nước bên dưới nơi nhà vua đang ở.

Quân lính trở về kể lại cho nhà vua nghe mọi chuyện. Nửa tin nửa ngờ, nhà vua bèn đích thân đến nhà chàng Churu xem sự thể ra sao. Quả đúng như lời quan quân báo. Gặp lại nhà vua, chàng Churu sai người làm tiệc thết đãi thật linh đình và nồng hậu. Thấy chàng Churu nay có thừa sức mạnh và thừa uy quyền để trả thù mình nhưng chàng lại không làm điều đó, vua Chăm thấy hổ thẹn và xin hai con tha thứ. Sau đó, ông quyết định giao quyền kế nghiệp cho chàng Churu. Từ đó, họ sống với nhau thật hoà thuận và hạnh phúc. [11][11]

VI. TRANG PHỤC :

1. Đàn ông :

Ngoại trừ những người đàn ông Churu "quý tộc", giàu có, có khả năng mặc như người Chăm cả ngày, ngày này qua ngày khác "cho giống Tây". Đa số người đàn ông Churu chỉ có thể mặc như người Chăm khi múa (tamya) trong những dịp ma chay, cưới hỏi, cúng bái...

Lúc đó thay vì đóng khố, người đàn ông Churu quấn váy trắng (khăn pơtih) của người Chăm (theo Giáo sư Nhân chủng học Nghiêm Thẩm cái váy của anh em Dân tộc phát xuất từ "sà rông" của người Ấn Độ), mặc áo trắng không có tay (ao là pơk) đầu quấn khăn trắng (cơnră ako)

Thời xưa những trang phục này quý như vàng, vì người Churu không dệt được, phải mua của người Chăm. Có điều tếu tếu là : Lúc đầu màu trắng (người Chăm hay dùng màu trắng, vì đó là màu tự nhiên của cây bông vải, đỡ phải nhuộm tốn kém, vả lại nếu nhuộm lúc đi gặp trời mưa thì đổ nợ !) càng ngày càng ra màu cháo lòng ! càng đen thùi lùi ! vì đi chơi, đi múa về không giặt (cũng không có xà bông để giặt) rũ bụi 3 cái, đặt trong “tiêt” (thùng nhỏ làm bằng tre để đựng quần áo...) ; thêm vào đó, trong nhà đốt củi nấu nướng, sưởi ấm... khói bay vào “tiêt” ! càng đen thùi lùi ! Khi cần, lại mang ra, rũ bụi 3 cái ! mặc đi múa tiếp !

2. Đàn bà :

Ngoại trừ những người đàn bà Churu quý tộc, giàu có có thể ăn mặc và trang điểm như người Chăm cả ngày. Đa số người đàn bà Churu, chỉ có thể ăn mặc và trang điểm như người Chăm khi múa, trong những dịp ma chay, cưới hỏi, cúng vái...

Người đàn bà Churu quấn váy trắng, đen, hồng... của người Chăm với những hoa văn của người Chăm (khăn bơi) mặc áo dài tay, đủ màu (ao to) của người Chăm.

Cổ đeo dây đá quý loại ngắn sát cổ (kơcing ke) hay loại dài (anu ke) do người Chăm đem từ Đà Nẵng (vùng có người Chăm ngày xưa : Trà Kiệu, Mỹ Sơn) đem vào bán cho người Churu.

Trên trán dán miếng vải "mơnà thu dàn" cho đẹp cũng như để chữa bệnh đau đầu (“mơnà thu dàn” là một miếng vải màu đen có tẩm dầu, một loại dầu chữa bệnh). Thói quen này phát xuất từ người đàn bà Chăm, thường chỉ dán để chữa bệnh đau đầu. Người đàn bà Churu thấy đẹp, bắt chước dán, một công hai việc, nhưng đẹp là chính !

Người đàn bà Churu rất thích miếng vải dán này. Thế nên khi các ông chồng Churu xuống Phan Rí trao đổi hàng hoá, nếu không mua “mơnà thu dàn” là "hết giờ với vợ" ! Nghe kể, các ông chồng Churu có thể bị vợ nhốt trong chuồng heo ! Nhất là đối với đàn bà vùng K'răngọ, K'răngchớ, Karái, Kađê.

Đàn ông Churu các vùng khác như Diom, Kađô, Tutra... rất thích con gái vùng K'răngọ, K'răngchớ, Karái, Kađê, vì con gái vùng này đẹp ! Nhưng không dám lấy, vì sợ bị nhốt chuồng heo, chuồng gà (ngày xưa chuồng heo, chuồng gà người Churu làm chắc chắn, kín để ngăn ngừa cọp bắt heo). Có những đàn ông Churu vùng khác đã từng thề không lấy con gái vùng K'răngọ, K'răngchớ, Karái, Kađê !

Người Churu có câu nói : “Iơm ao là, mơnà thu dàn”.

“Iơm ao” là một loại áo nhỏ che ngực đàn bà. “Mơnà thu dàn” là miếng vải đen dán trán. Đối với người đàn bà Churu hai thứ này quý nhất, vì giúp cho người đàn bà Churu đẹp hơn.

VII. NHỮNG LIÊN HỆ KHÁC :

1. Có những người Churu mang họ Chăm :

a. Họ "Hàn" :

Như ông "Hàn" Đăng, "Ông Huyện Mọi" (cách gọi của người Kinh thời ông Hàn Đăng). Một khuôn mặt tiêu biểu của người Churu, một ông "Vua Churu" đã từng làm "Sous-chef de la province Haut Donnai", chỉ sau quan lớn Pháp, điều khiển cả vùng Đồng Nai Thượng. Không những mang họ Chăm, ông Hàn Đăng còn có vợ là người Chăm (Mò Phum). Vì có gốc gác Chăm, nên con cháu ông Hàn Đăng như : Touneh Hàn Thọ, Touneh Hàn Đinh... thông minh, giỏi, có học vị cao, chức vị cao trong xã hội.

Ông Hàn Thọ đã dọn luận án cao học về người dân tộc (đặc biệt về người Churu) và đã có học vị Tiến Sĩ. Ông từng giữ chức Tổng Thư Ký Bộ Sắc Tộc. Sau đó làm Chủ Tịch Hội Đồng Sắc Tộc... Ông Hàn Thọ là người Churu đầu tiên đã được rửa tội năm 1955 tại Nhà thờ Đàlạt. Trong cuốn sổ rửa tội của Nhà thờ Chánh Toà Đàlạt vẫn còn giữ hồ sơ rửa tội của ông.

Ông Hàn Đinh là "Directeur de l'Ecole primaire complementaire Franco – Koho de Kade". Sau này làm Phó quận trưởng quận Lạc Dương.

Con gái ông Hàn Đinh học bên Mỹ, lấy chồng Mỹ làm việc tại Viện Ngôn Ngữ của Mỹ, đặc biệt về tiếng Churu.

Ông Hàn Tinh là sĩ quan quân đội.

Ông Hàn Thạch làm Thông dịch viên tiếng Mỹ.

b. Họ "Chăm yàng in" :

Như "Chăm yàng in" Ya Breng. "Chăm yàng in" Ma Deng ở vùng Preh Tùng Nghĩa

c. Họ "Curu yàng" :

Như "Curu yàng" Ma Sia ở vùng B' Kăn gần Diom. "Curu yàng" Ma Thàm ở làng La Bui gần Lạc Viên. "Curu yàng" Ma Lim ở làng Tà In.

2. Những dấu vết của người Chăm ờ vùng Đơn Dương, Đức Trọng :

a. Cách đây vài năm tại Proh, người ta đã tìm thấy một móng nhà bằng gạch, độ sâu 1m50, rông 5m, dài 10m. Theo các nhà khảo cổ Việt Nam đó là móng nhà một "đền thờ" của vua người Chăm.

b. Cũng tại Proh, người ta đào được những vật dụng của người Chăm : tô, chén, cốc... Và theo dân địa phương kể lại, tại một gốc tre trong vùng, người ta khám phá có khá nhiều vũ khí của người Chăm chôn dấu (kiếm, dao nhỏ...). Ngày nay vào những nhà anh em Dân tộc vẫn còn thấy những vũ khí của người Chăm.

c. Vùng Ka Đơn đã từng có một thời, anh em Kinh cũng như Dân tộc rủ nhau đi kiếm kho tàng người Chăm. Họ bảo nhau tìm cho bằng được những cái choé làm rượu, đáy có miếng đồng đen.

Vì trong dân gian có câu truyên : Có một người Chăm vẽ bản đồ kho báu của vua Chăm vào miếng đồng đen lớn. Sau đó cắt thành 10 miếng nhỏ và lát vào đáy 10 cái choé, trao lại cho 10 người con, mỗi người con một cái choé, và nói với các con rằng : Khi nào có điều kiên, sẽ gặp lại nhau, ráp lại 10 miếng đồng đen đó, để tìm lại kho tàng. Còn nếu bán, cứ tính mỗi đời là 10 con trâu. Bao nhiêu đời thì bấy nhiêu con trâu cho một cái choé.

Cũng thế, để tìm kho tàng, người ta rủ nhau đi đào những ngôi mộ của người Chăm ở rải rác trong vùng, nhiều ngôi mộ người Dân tộc bị "đào oan", đem đến kiện tụng. Sau này mới biết, đó là những ngôi mộ giả. Dường như người Chăm làm nhiều ngôi mộ giả là để đánh lừa những người đi tìm kiếm kho tàng của người Chăm.

Việc đi tìm kho tàng này phù hợp với tài liệu "Đi thăm kho tàng của các Vua Chàm" của nhà Nhân chủng Học Nghiêm Thẩm, cũng như theo lời kể của các "già làng" Churu : ngày xưa đã từng có hai kho tàng của các Vua Chăm một ở Sop (Sopmadronghay) vùng xã Loan và một ở Krayo vùng xã Tà Năng. Hiện nay vẫn còn móng nhà của kho tàng vua Chăm ở Sop.

Cũng trong tài liệu "Đi thăm kho tàng của các vua Chàm", trang 1, Giáo sư Nghiêm Thẩm đã viết : "Hai nhà bác học Henri Parmentier và Linh mục E. M. Durand có viết một bài khảo cứu đầy đủ về các bảo vật của vua Chàm trong Kỷ yếu của Pháp quốc Viễn Đông Học Viện, tập V (1905) trang 146. Sau đó J.Y. Claeys cũng viết về mấy kho tàng ở Bình Thuận, tập XXVIII (1928), trang 607 – 610. Năm 1929 – 1930. M. Ner có tới thăm các kho tàng đó và có ghi trong tờ tường trình in trong tập XXX (1930), trang 533 –576 ; Linh mục J. Dournes cũng có nói qua đến vài kho tàng đó trong cuốn sách "En suivant la piste des hommes sue les Hauts Plateaux du Việt-Nam" (René Julliard Paris, 1955) trong những trang 24, 25 và 158, 160."

d. Có những người Chăm ở vùng Phan Rang, Phan Rí bỏ lên vùng người Churu. Để cho an toàn, họ đã đổi tên, đổi họ sang tên họ Churu, bắt vợ bắt chồng người Churu. Hiện nay con cháu của họ đang ở trong những làng của người Churu.

3. Người Churu đã học làm đồ gốm và làm ruộng nước từ người Chăm. Chính vì thế, từ xa xưa người Churu đã biết làm đồ gốm và làm ruộng nước . Hiện nay làng K'răngo
(go : nồi), một làng Churu vùng Đơn Dương, vẫn giữ nghề truyền thống làm đồ gốm

4. Ngày xưa, người Churu và người Chăm xử dụng hai con đường để liên hệ với nhau :

a. Con đường từ Xã Loan Tà In xuống Phan Rí.

b. Con đường từ Diom ngang qua Ma Nới xuống Phan Rang.

Qua hai con đường này, người Churu liên hệ với người Chăm về nhiều mặt, nhưng chủ yếu là trao đổi hàng hóa : Người Churu đổi trâu, dê, heo, gà... lấy mắm muối, cá khô, khăn áo, vải vóc... của người Chăm

5.  Đi làm sâu cho người Chăm (nau duh) :

Người Churu từng đi làm sâu cho người Chăm (làm việc không trả công, chỉ cho ăn) : Những người lớn có sức khoẻ trong làng Churu, thay phiên nhau, mỗi đợt vài người, cùng đi với các làng khác, cứ 15 ngày đổi "ca" môt lần, để đi làm sâu cho người Chăm, phục vụ cho những quan lại người Chăm: qúet nhà, gánh nước, chăn dê, chăn trâu, đi cày... nhất là làm thuỷ lợi, đào mương, đắp đập. [12][12]

Ngươi già churu có kể lại một câu chuyện tếu đi làm sâu như sau : Để đào mương có kết quả, người Chăm chia người Churu ra làm hai nhóm thi đua nhau : Nhóm đàn ông đào mương đàn ông (rơbòng lơkêi), nhóm đàn bà đào mương đàn bà (rơbòng kơmêi) (những mương này vẫn còn). Cuối cùng, tuy khoẻ hơn, nhưng đàn ông vẫn thua ! Lý do rất đơn giản : khi gãy cán cuốc, đàn bà không biết sửa, nhờ đàn ông, đàn ông cứ vui vẻ sửa ! còn thì giờ đâu nữa để mà đào ! Thế là đàn bà thắng !

Chính vì đi làm sâu cho người Chăm. Nên hiện nay, vùng người Chăm, có một số người Chăm lai Churu. Họ là con cháu của những người Churu đi làm sâu cho người Chăm, những người này, quen phụ nữ Chăm và ở lại bắt vợ Chăm.

Kết :

Những điều trình bày ở trên, cho chúng ta thấy rằng : Người Churu có một sự liên hệ đậm đà với người Chăm. Với sự liên hệ này, người Churu đã tiếp nhận phần nào văn hoá "rực rỡ" của người Chăm (những dấu tích của người Chăm còn lại như đền Mỹ Sơn, cổ viện Chàm Đà Nẵng, tháp Bà Nha Trang... cho thấy phần nào của sự "rực rỡ" đó). Di sản này giúp cho cuộc sống của người Churu "văn hoá" hơn, nhất là giúp cho người Churu có thêm những hạt giống Lời Chúa [13][13] để chuẩn bị họ lãnh nhận Tin Mừng. [14][14]

Di sản này thiết tưởng đang mời gọi chúng ta : phải lấy làm sung sướng và kính cẩn khám phá ra [15][15] tìm lại, giữ gìn và phát huy để làm cho cuộc sống đời thường của anh em Churu phong phú hơn nữa, và nhất là để cho công việc Truyền giáo cho anh em Churu sinh hoa kết quả hơn nữa.

Phải chăng di sản này cũng đang mời gọi : một sự liên hệ "ngày nay" giữa Anh em Churu và Anh em Chăm. Một sự liên hệ "mới mẻ" hơn, "nhà đạo" hơn ?

 

Những tài liệu tham khảo chính :

1.       1.       Les Missionnaires et les Montagnards. Marius Boutary

2.       2.       Les Kon Cau de la Dà-Nying – contribution à l'étude ethnologique des Cru et Cil du district de Đơn Dương Tuyên Dưc Viêt Nam. Albina Ferreirós

3.       3.       Dictionnaire Căm – Vietnamien-Francais. G. Moussay

4.       4.       Tìm hiểu đồng bào Thượng. Giáo sư Nhân chủng Học Việt Nam - Nghiêm Thẩm

5.       5.       Nguồn gốc đồng bào Thượng. Quốc Khánh

6.       6.       Đi thăm kho tàng của các Vua Chăm. Nghiêm Thẩm

7.       7.       Sự tồn tại của bản chất Anh-Đô-Nê-Diêng trong nền văn hoá Việt Nam. Gs. Nghiêm Thẩm

8.       8.       Truyện kể dân gian các tộc người Nam Đảo ở Việt Nam. Thạc sĩ Phan Xuân Viện.

9.       9.       Lịch sử Vương Quốc Champa. Luơng Ninh

10.  10.  Nghi lễ vòng đời người Chăm Islam Vũ Hồng Thuật

11.  11.  Người Churu. Nguyễn Văn Diệu

12.  12.  Truyện cổ Churu. Thạc sĩ Phan Xuân Viện

13.  13.  Niềm tin, phong tục, tập quán người Churu. Ya Phêrô

14.  14.  Ca dao tục ngữ người Churu. Ya Phêrô

15.  15.  Học tiếng Churu. Ya Phêrô

16.  16.  Từ vựng Churu Phổ Thông – Phổ Thông Churu. Ya Phêrô

17.  17.  Và một số tài liệu khác.

 

Bài viết cũng được thực hiện nhờ những trao đổi với :

1.       1.       Đức Giám Mục Giuse Võ Đức Minh. Gp. Nha Trang

2.       2.       Lm. Giuse Phùng Thanh Quang. Nguyên quản xứ Di Linh Giáo phận Đàlạt, đã ở nhiều năm với anh em Dân tộc ; đã tìm hiểu, nghiên cứu nhiều về anh em Dân tộc.

3.       3.       Lm. Đaminh Nguyễn Huy Trọng. Quản xứ Kala Giáo phận Đàlạt, đã ở nhiều năm với anh em Dân tộc ; đã tìm hiểu, nghiên cứu, và có sưu tập quý giá về anh em Dân tộc.

4.       4.       Lm. G.B. Trần Minh Cương. Nguyên phụ trách người Chăm Giáo phận Nha Trang

5.       5.       Lm. Gioan Nguyễn Hoài An. Dòng Ngôi Lời, phụ trách người Chăm Giáo phận Nha Trang

6.       6.       Ông Thanh Ngọc Trào. Con cái Cha Moussay. "Già làng” người Chăm.

7.       7.       Thạc sĩ Phan Xuân Viện. Giáo sư Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn. Tp. HCM. Chuyên nghiên cứu về các Dân tộc Việt Nam.

8.       8.       Ông Philippe Yangoh Ya Hiêng

9.       9.       Ông Gabriel Bơnahria Ya Minh

10.  10.  Ông Micae Nguyễn Văn Quỳnh

11.  11.  Cô Maria Touneh Nai Chanh

12.  12.  Và một số người khác…

 

Lm. Giuse Nguyễn Đức Ngọc

Mục lục

VĂN HỌC & ĐỜI SỐNG

 

 

CHÚC TẾT CẢ NƯỚC

 


 

1- Xin gửi vài đóa hoa

Vài bản nhạc hùng ca

Một tấm lòng trân quí

Đến triệu nhà gần xa

 

2- Năm Mới chúc rất vui

Bỏ đi mọi ngậm ngùi

Luôn dồi dào sức khoẻ

Luôn rộn rã tiếng cười

 

3- Chúc non nuớc Việt Nam

Hết nhũng lại tham quan

Xây Tự do, Dân chủ

Bốn chữ ngọc  nạm vàng!

 

4- Chúc toàn dân đoàn kết

Tổ Quốc là trên hết

Phải nghĩ đến giống nòi

Bạch đằng giang, Vạn Kiếp...

 

5- Chúc riêng đảng Cộng sản

Bình tâm và  thanh thản

Nhắm đến phúc lợi Dân

Được thế mới thỏa mãn!

 

6- Cuộc đời chẳng bao lăm

Tựa như ánh trăng rằm

Sáng đấy rồi tắt đấy

Lúc chết không ăn năn!

 

7- Việc nước phải có Dân

Để Dân lo góp phần

Giữ gìn đảo, biển, đất

Không thể mất một tấc!

 

8- Đảng ta và quân binh

Không đủ sức quân bình

Không đủ lực chống trả

Thì để Dân hết mình!

 

9- Nguyên, Mông, Thanh khi xưa

Tính làm gió làm mưa

Nhưng nhờ Dân đoàn kết

Chúng ta đánh te tua!

 

10- Dòng Việt Nam không hèn

Không cúi mặt nhục quen

Mà hiên ngang tiết tháo

Cho chúng hết lem nhem!

 

11- Nếu muốn diệt ngoại xâm

Phải có thế Nhân dân

Phải Tự do, Dân Chủ

Dân nức lòng đầu quân!

 

12- Chớ tham quyền cố vị!

Hãy nghĩ suy cho kĩ

Làm tốt có danh thơm

Người Việt không đố kị!

 

13- Làm sai đeo xú danh!

Ngàn năm bia miệng thành

Phường Việt gian cướp trộm

Một lũ xạo, lưu manh!

 

 

14- Chúc toàn dân bắt tay

Vào mọi công việc ngay

Có Hành, Lập, Tư pháp

Mọi chuyện sẽ đều hay!

 

16- Chúc mọi người hoạt động

Vì dân, nhìn thật rộng

Chúc báo chí loan tin

Mọi sự thật, thuận, chống!

 

17- Chúc tôn giáo tự do

Quốc doanh dẹp mọi trò

Giáo sĩ lo truyền đạo

Dạy dân biết phượng thờ

 

18- Chúc dân trí nâng cao

Học cho được thế nào

Kĩ thuật thực tiến bộ

Để đời sống nâng cao!

 

19- Chúc bỏ hết dối trá

Bỏ hết phỉnh nịnh  quen

Bỏ những gì cặn bã

để cùng nhau tiến lên !

 

20- Chúc nhìn ra sự thật

Bỏ con đường sai,  trật

Đường Dân  làm chủ

Nước nhà mới không mất!

 

21- Chúc mấy chú công an

Xưa giờ quen  bắt  càn

Nay hồi tâm suy nghĩ

Kẻo tội nghiệp dân oan!

 

22- Chúc đám người múa rối

Gây biết bao là tội

thức tỉnh, nhìn ra ngay

Ăn năn và thống hối!

 

23- Chúc sớm biết nhục nhằn

Húp cơm thừa, canh cặn

Dù nghèo mà thơm tho

Hơn có tiền thối khắm!

 

24- Chúc dân Việt hải ngoại

Càng ngày càng hăng hái

Quyết giữ gìn đất, biển

Trung thành cùng Nước  mãi!

 

25- Chúc dân nước ấm no

Hưởng Nhân quyền, Tự Do

Của chất kho chật ních

Bõ bao năm âu lo!

 

26- Chúc hết mọi báo, đài

Các trang mạng, oép-sai

Nhiều thông tin, hình ảnh

Viết sự thật, không sai!

 

27- Chúc dân ta sớm đòi

Hoàng, Trường Sa, biển, ngòi

Ta không sao để mất

Tiền nhân dặn ta coi!

 

28- Chúc tiến bộ bằng người

Sinh-ga-po, Hàn, Đài...

Toàn dân ta quyết chí

Làm thật đúng, không sai!

 

29- Tàu nô lệ ngàn năm

Pháp đô hộ trăm năm

Lẽ đâu không biết nhục

Đàn sáo ngắm trăng rằm?

 

30- Cha chỉ con, anh, em

Ông bảo cháu coi xem

Nhục nào bằng mất nước?

Chớ ỷ lại, lem nhem!

 

31- Hãy đứng lên! Sinh viên

Cùng toàn dân thề nguyền

Phải đòi lại biển đất

Một tấc không  để mất!

 

35- Mong sang năm Mậu Tí

Việc nước theo luận lí

Sáu hai năm thua người

Chớ để nước tắc tị!

 

36- Xin chúc thêm một lần

Cả Đại Khối Nhân Dân

Cùng chung lòng tái thiết

Dựng xây  ta góp phần!!

           Kính chúc

Tại USA Giao Thừa 1-1-2008

Nhà Văn Bút Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC


 

 Mục lục

 

 

CÂU CHUYỆN SUY TƯ

Rạn nứt

 

Một vì vua kia thích sưu tầm ngọc quí đủ màu sắc, đủ kích cỡ, đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong số đó, có một viên ngọc to như quả trứng. Mỗi khi đưa ra ánh sáng, nó phản chiếu đủ màu sắc sặc sỡ làm nhà vua rất say mê.


Nhưng một hôm, trong lúc hãnh diện khoe cùng các vị khách quí, nhà vua đã nhận ra viên ngọc có một kẽ nứt. Ông vô cùng tiếc xót, buồn bã. Từ hôm ấy, Ngài truyền cho khắp dân gian ai sửa được viên ngọc đó y như trước sẽ được trọng thưởng. Các thợ đá quí lành nghề ra vào hoàng cung tấp nập nhưng đều lắc đầu chịu thua.


Ngày kia, có người vào yết kiến và xin vua cứ để cho mình sửa chữa tùy ý. Đang lúc tuyệt vọng, nhà vua đồng ý, vì đàng nào viên ngọc cũng mất giá trị rồi.


Anh thợ đá quí đem viên ngọc về, ngày đêm dùng những đồ nghề tinh xảo để sửa chữa viên ngọc. Chẳng bao lâu, anh đem viên ngọc dâng lên đức vua. Nhà vua vô cùng kinh ngạc vì trên viên ngọc điểm một bông hồng rất xinh đẹp, được trạm trổ một cách công phu, mà cánh hoa xinh tươi chính là dấu nứt của viên ngọc trước kia. Cánh hoa hồng xinh đẹp đã làm tăng giá trị của viên ngọc lên gấp bội, bằng chứng là mọi người đều trầm trồ khen ngợi.


Mỗi một lỗi lầm trong đời sống chúng ta là một vết nứt của linh hồn trong trắng.


Mỗi lần gây gỗ bất hoà trong đời sống hôn nhân là một vết nứt trong tình yêu nồng nàn ngày thành hôn.


Mỗi một tranh chấp, cãi cọ giữa láng giềng, bạn bè là một vết nứt trong tình bằng hữu lân bang.

Chúng ta dừng bao giờ nản lòng thất vọng mỗi khi nhìn thấy những vết nứt trong tâm hồn mình, hay những rạn nứt trong tương quan với tha nhân. Nếu biết lợi dụng nó thì những vết nứt kia sẽ là khởi điểm cho một cuộc sống mới tươi đẹp hơn, khi mình biết khéo léo và kiên nhẫn sửa chữa.


Tây phương có câu: "Con người là lầm lỗi". Vâng, con người được dựng nên bởi bùn đất, nên bao giờ họ cũng vẫn là "bùn". Nhưng điều quan trọng, họ phải luôn mềm dẻo dưới ngón tay uốn nắn của Thiên Chúa. Hãy luôn nhớ đến lời đầy an uỉ này: "Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất" (Lc19,10)


Lạy Chúa, mỗi khi con làm mất lòng Chúa, mỗi khi con bất hòa với những người trong gia đình con, mỗi lần con đánh mất tình giao hảo với những người xung quanh, xin cho con hiểu rằng bao giờ cũng còn phương thế tốt đẹp để sửa chữa lại nhũng rạn nứt trong con.

 

Hoàng Vũ (sưu tầm từ  Internet)

Mục lục

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

 

Trẻ sẽ làm như “ta làm”

TT - Một nữ sinh 17 tuổi viết thư cho mục tham vấn tâm lý của một tờ báo như sau: "Em đã có bạn trai. Thật ra tụi em và bạn bè đồng lứa  biết hết về tình dục rồi. Nhưng mãi tới nay tụi em chưa "quan hệ" vì em sợ hậu quả. Có điều là trong nhóm bạn em, đứa nào chưa "nếm" qua thì bị cho là không sành điệu, là "nhà quê”. Em phải làm sao đây?".

"Thời trước bạn trẻ sẽ hỏi: làm như thế có vi phạm đạo đức không, có tội hay không? (nếu là người có đạo). Còn mối băn khoăn của nữ sinh này không phải là một nguyên tắc lớn lao nào, bạn chỉ sợ dư luận xã hội hay áp lực của nhóm xã hội mà mình là một thành phần.

Thật ra xưa kia người ta cũng sợ dư luận là chính, nhưng hồi đó dư luận ăn khớp với các nguyên tắc đạo đức được chính thức phổ biến.

Do đó ngày nay các nhà nghiên cứu và giáo dục quan tâm đến cái gọi là "giá trị sống" (living values). Đó là những điều mà cá nhân và xã hội xem như quí giá nhất phải noi theo hay phải có cho bằng được. Rồi người ta cũng khám phá rằng có những giá trị được công bố thường là rất cao đẹp như bác ái, công bằng,vị tha... Tuy nhiên có những giá trị không công bố hay ngấm ngầm nhưng đang thật sự chi phối mạnh mẽ lối sống của số đông. Đó là vật chất, tiền bạc, quyền lực mà người ta cố vơ lấy bằng mọi phương tiện: gian dối, lường gạt, chạy chọt... Và số đông, trong đó có trẻ em, tất yếu sẽ noi theo cách nào có lợi cho mình hơn.

Để giáo dục đạo đức, người ta giáo dục giá trị sống. Nhưng trong khi đưa ra những giá trị cao đẹp người ta cũng phải xem xét các giá trị ngầm tiêu cực để chuẩn bị cho trẻ cách đối phó.

Muốn giáo dục giá trị sống trong bối cảnh hiện nay cần phải nhận diện đâu là những giá trị đang thật sự chi phối hành vi của các cá nhân hay nhóm xã hội. Cần nhấn mạnh ở những giá trị nào trong bối cảnh hiện tại. Có một điều nên nhớ là không thể dạy bằng lời nói suông mà phải dựa trên tâm lý học tập của trẻ để dạy bằng hành động, ngay trong cuộc sống.

Trẻ không làm như ta nói mà làm như ta làm. Một người bạn của tôi luôn quan tâm giúp đỡ người nghèo. Không biết đứa cháu ngoại 9 tuổi bị "nhiễm" lúc nào mà vừa qua tự cháu đập con heo đất lấy hơn 1 triệu đồng gửi cho nạn nhân lũ lụt. Được ông ngoại và ba mẹ đồng tình, cháu thêm xác tín về hành động của mình. Lớn lên chắc chắn cháu sẽ sẵn sàng chia sẻ với người khó khăn.

Trẻ cần được giáo dục ngay trong cuộc sống. Đó là môi trường gia đình, trường lớp... Sinh hoạt gia đình nề nếp, yêu thương, tôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau sẽ giúp trẻ lớn lên biết sống vì mọi người. Kỷ cương trong lớp học, sự hợp tác với bạn bè, quan hệ tốt đẹp với thầy cô sẽ giúp trẻ thành những công dân tích cực, biết tôn trọng pháp luật, lợi ích chung... Dù ngành giáo dục của ta có chủ trương nhấn mạnh "môi trường giáo dục" nhưng những chuyện xảy ra gần đây liên quan đến bạo lực học đường cho thấy ta đang còn khá xa mục đích này.

Đáng lo âu là sự dối trá được "thể chế hóa" như chuyện nâng điểm học sinh để có điểm thi đua tốt. Học sinh biết rõ điều này và các em không còn điểm tựa nào để phân biệt phải trái. Sự gian dối ở cấp vĩ mô (bằng giả, bằng thật học giả, mua điểm bán bằng...) khiến ta khó giáo dục trẻ về sự trung thực. Có vẻ như vô hại hơn là bệnh hình thức nhưng thật sự đó là lời nói dối êm ái mà bạn đồng hành của nó là đạo đức giả đang ru ngủ xã hội. Sự gian dối này đánh gục nguyên tắc đạo đức cốt lõi là sự trung thực. Và từ đó có tình hình loạn đạo đức chung.

Do trẻ học đạo đức bằng cách làm như ta làm chứ không phải làm như ta nói, thật khó cho người làm giáo dục đạo đức nếu chỉ đưa ra những nguyên tắc suông mà không giúp trẻ nhìn nhận phải trái từ chính cuộc sống. Dạy giá trị sống là giúp trẻ phân tích hiện trạng để đề kháng với cái xấu. Chỉ có thể làm việc này khi nhà giáo dục thật sự xác tín về điều mình dạy. Do đó không thể giáo dục đạo đức cho trẻ nếu không đồng thời tuyên chiến với cái xấu hiện hành... Vì dạy đạo đức là dạy sống chứ không phải dạy nói suông, người dạy phải sống chính những điều mình dạy.

NGUYỄN THỊ OANH

Theo www.tuoitre.com.vn

Mục lục

 

ĐỌC SÁCH

 

BÊN BỜ KINH TẺ

 

Cuộc đời như những giòng sông ra đi mang theo biết bao hình ảnh ven bờ trôi về biển xa. Tất cả chìm khuất trong quá khứ. Nhưng có những giòng sông vẫn còn đọng lại được những hình ảnh đã qua đến nỗi dừng chân lại nơi đó vẫn thấy quá khứ hiện về Thật mạnh mẽ ! Như sông Tương, sông Hoàng Hà, sông Bạch Đằng, sông Thu Bồn, sông Cửu Long…

 

Thành phố lớn nhất nước này, có nhiều sông rạch nhỏ, ký ức cũng nhỏ, thậm chí có những con kênh ngập rác, nước đen quánh, với những căn nhà ổ chuột… Thế mà trong xóm lao động lúp xúp ngột ngạt ấy có một hình ảnh vẫn còn đọng lại theo thời gian. Nơi đó, có những tấm lòng còn vươn cao hơn nhựng ngôi nhà cao tầng, tráng lệ ở khu trung tâm. Bất cứ ai đến giòng kênh tẻ, cũng nghe đến mái ấm tình thương của chị L . T Kính

 

Ý tưởng hình thành nơi cô giáo dạy toán ở trường Hồng Bàng đã về hưu này qua biến cố người mẹ thân yêu qua đời. Lương giáo viên quèn, lại không có thời giờ để chăm sóc chu đáo, chị hối tiếc vì người mẹ đã ra đi trong tẻ lạnh thiếu thốn. Chị quyết làm được một điều gì đó cho những thiếu sót của mình. Hơn nữa, trong những năm tháng dài tham gia với tư cách là một hội viên Legio, chị đã đi công tác thăm viếng những gia đình neo đơn, những cụ giá hầu như bị bỏ rơi thiếu thốn cả tinh thần lẫn vật chất…Hình ảnh con người bậnh tật, kéo lê tuổi già trong những căn nhà chật chội thiếu vệ sinh, thiếu chăm sóc đã nung nấu trong lòng chị một ý muốn yêu thương “Như Thầy đã yêu” , ý muốn phục vụ “như Thầy đã phục vụ” . Hơn nữa, người Mẹ thành Calcutta đã gợi trong chị những bước đi cụ thể. Chính cái tang lớn nhất trong đời mình, đã thôi thúc chị phải dấn thân bắt tay hành động, không chút do dự.

 

Thế là mái ấm hình thành. Căn hộ lầu 3, chung cư Nguyễn Tri Phương trở nên quá chật chội để đón tiếp năm ba cụ già. Đi lại lên xuống cực kỳ khó khăn đối với những cụ cần phải đi khám bệnh để điều trị. Chị quyết định bán căn hộ chung cư để mua một mảnh đất hoang vu bên dòng kênh Tẻ. Cất tạm một căn nhà gỗ mái tôn đủ rộng để có thể đón nhận 20 cụ và một số người bệnh tật không nơi nương tựa. Hình ảnh người mẹ hấp hối trong buồn tủi luôn ẩn hiện trong tấm chị, khiến chi mỗi lần đi đường gặp những người già nghèo khổ, lòng chị dâng lên một lời nguyện ước ; xin Chúa bù đắp cho con những thiếu sót của con đối với người mẹ hiền. Con chỉ ước mong các cụ được ấm áp hơn trong những ngày cuối đời, để các cụ được ra đi trong thanh thản và bình an.

 

 

Chị tổ chức trong đại gia đình của mình, hàng ngày đọc kinh tối sáng, nghe đọc Kinh Thánh. Trong số các cụ có 5 người chưa được rửa tội. Phục sinh 2006, một cụ ông 82 tuổi đã xin tòng giáo và cô phục vụ bếp núc 67 tuổi cũng xin theo đạo. Chị đặc biệt đích thân săn sóc những người bệnh tật, mời cha đến dâng lễ tại nhà mỗi khi có cụ nằm xuống, và lo chu tất việc hoả táng. Sự lo lắng chu đáo trong tang lễ làm cho những người còn sống cảm thấy an tâm và hạnh phúc trong những ngày còn lại của đời mình.

 

Sở dĩ chị có thể vượt qua mọi thử thách và phức tạp ban đầu, để dần dần hình thành mái ấm đến chỗ nề nếp ngày nay vì chị có  niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa và lòng tin vào con người. Cuộc đời đầy khó khăn từ tấm bé tại quê hương Quảng Trị đã giúp chị quen chịu đựng gian khổ và nghị lực vượt qua chính mình. Niềm tin vào Thiên Chúa, nguồn trợ lực vô biên giúp chị có lý tưởng để sống và để hy vọng. Lòng tin vào con người, vốn có lòng từ tâm, chỉ cần biết khơi dậy, sẽ mau mắn chung tay góp sức.

 

Cô Kính kể, cách đây mấy ngày có một tốp ba thanh niên rất trẻ đến thăm. Họ nói, vừa rồi ngồi quán, cô chủ quán đọc báo cho nghe bài về mái ấm này, thấy lạ, chúng tôi đến thăm…Rồi họ gom góp được 1.500.00 đồng, đến trao tận tay các cụ già. Có một chị nhà ở Tân Bình đạp xe kiếm hoài không ra nhà cô giáo Kính, đến 8 giờ tối mới tới nơi, chị lục túi nói với cô; tôi bán hàng xẻn ngoài chợ đọc báo thấy thương quá tìm đến thăm, nhưng chỉ còn 45.000đ chị cầm tạm lo cho các cụ già. Có người ở tận Tiềng Giang khệ nệ mang 10kg gạo, ít  trái khổ qua nhà trồng lên biếu. nhiều học trò cũ của cô đọc báo mới biết nghĩa cử của cô giáo mình, cũng đem tiền, quà đến tặng.

 

Cần nhiều tấm lòng hơn để cùng chia sẻ. Bên giòng sông đục ngầu mỗi mòng và và rác rưởi, có những con người cùng khốn đang được săn sóc thương yêu như một con người mang hình ảnh Thiên Chúa và sẵn sàng ra đi trong niềm tin tưởng, phó thác vào Đấng đã tạo dựng nên họ, và đã yêu thương họ đến cùng

 

Ghi chú :

ĐC : L.T.Kính

 

697/485/60 Phạm Thế Hiển. P4. Q8. TPHCM

ĐT :  : 8507.846

Tuấn Thanh

Mục lục

 

 

 

 

                                                                                                                                                                 

 

 

Trang Chính    ::    Tin Tức    ::    Suy Niệm    ::    Sinh Hoạt    ::    Hình Ảnh    ::    Ban Biên Tập

 

 


 

[1][1] "già làng" ở đây xin được hiểu là những người Churu lớn tuổi và hiểu biết nhiều.

[2][2] (Curu có nghĩa là : những người "xâm đất")

[3][3] Trích bài viết "Người Churu" của Nguyễn Xuân Diệu, trong sách "Vấn đề Dân tộc ở Lâm Đồng" do Mạc Đường chủ biên, trang 272.

[4][4] Trích sách "les kon Cau de la Dà-Nying contribution à l'étude ethnologique des Cru et Cil du district de Đơn Dương Tuyên Đức Viêt Nam" của Albina Ferreirós, trang 55.

[5][5] Giáo sư Nghiêm Thẩm trong bài viết "Tìm hiểu đồng bào Thượng" tr. 2.

[6][6] số 11 của Ad Gentes – Sắc lệnh Về hoạt động Truyền Giáo của Giáo Hội...

[7][7] số 16 Lumen Gentium – Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội.

[8][8] Trích tài liệu "Đi thăm kho tàng của các vua Chàm" của Giáo sư Nghiêm Thẩm, trang 4.

[9][9] Trước đó người Churu không biết cúng. Mỗi khi có người chết, chỉ biết lấy 8 cục than, cúng với ông thần cục than và nhờ ông thần cục than đưa "bơnga" về với ông bà tổ tiên.

[10][10] hoa rau dền, là loại hoa có nhiều hột, sẽ sinh ra nhiều cây rau dền khác.

[11][11] Câu truyện này được trích ra từ "Truyện Cổ Churu" do Nguyễn Thị Ngọc Anh, Touneh Nai Chanh và Tiến sĩ Phan Xuân Viện sưu tầm và biên soạn, trang 93

[12][12] Đập nước Cơrlàng do người Churu đi làm sâu vẫn còn.

[13][13] (số 11, Ad Gentes)

[14][14] (số 16, Lumen Gentium)

[15][15] (số 11, Ad Gente)